Người phụ trách khu vực Trung Đông của ICRC, ông Fabrizio Carboni nhấn mạnh tình trạng thù địch gia tăng và kéo dài ở Rafah, nơi hơn 1,4 triệu người Palestine đang mắc kẹt, sẽ đặt ra "nguy cơ lớn đối với cuộc sống dân sự và cơ sở hạ tầng". Ông kêu gọi các bên xung đột và tất cả những người có ảnh hưởng “hãy bảo vệ mạng sống và cơ sở hạ tầng dân sự”.
Quan chức trên cũng nhấn mạnh rằng theo luật nhân đạo quốc tế, các bên xung đột phải đảm bảo cung cấp những nhu cầu thiết yếu và các biện pháp bảo vệ cần thiết cho dân thường…
ICRC khẳng định luật nhân đạo quốc tế cấm hành động "di tản cưỡng bức", hay sử dụng lá chắn người và các cuộc tấn công bừa bãi khiến dân thường thương vong. Theo ICRC, việc sơ tán phải đảm bảo rằng dân thường đến nơi an toàn và có các điều kiện thỏa đáng về vệ sinh, sức khỏe, an toàn và dinh dưỡng, các thành viên trong cùng một gia đình không bị chia cách. Những người chịu trách nhiệm sơ tán cũng cần tính đến thực tế số lượng lớn người dân di chuyển qua những con đường bị bom phá hủy, đi qua đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy và qua các khu vực bị ô nhiễm bởi vũ khí chưa nổ.
Bà Alice Wairimu Nderitu, cố vấn đặc biệt của Liên hợp quốc về ngăn chặn nạn diệt chủng, bày tỏ quan ngại sâu sắc về "hậu quả thảm khốc" tiềm ẩn đối với dân thường ở Rafah nếu Israel thực hiện kế hoạch tấn công tại đây. Bà Nderitu khẳng định: "Cần ưu tiên bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế". Bà Nderitu kêu gọi hành động ngay lập tức để giảm bớt đau khổ của những người dễ bị tổn thương ở Rafah và Dải Gaza, thả tất cả con tin vô điều kiện và đảm bảo luồng viện trợ nhân đạo cho những người đang rất cần. Bà cũng kêu gọi tăng tốc đối thoại để ngăn chặn bạo lực leo thang và thiết lập lệnh ngừng bắn bền vững.
Trước đó, ngày 14/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo “thảm họa khôn lường” nếu Israel mở rộng các cuộc tấn công trên bộ ở Rafah. Phát biểu tại họp báo trực tuyến từ Rafah, ông Richard Peeperkorn, đại diện của WHO tại lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cũng cảnh báo "hậu quả nghiêm trọng" đối với sức khỏe của người dân và đẩy hệ thống y tế vốn đã yếu kém đến gần bờ vực sụp đổ. Đại diện WHO cho biết chỉ có 3 bệnh viện hoạt động một phần ở Rafah, được bổ sung thêm 3 bệnh viện dã chiến, chỉ cung cấp 450 giường bệnh, quá ít so với nhu cầu thực tế. WHO kêu gọi các hành lang nhân đạo bền vững để tiếp tục cung cấp viện trợ quan trọng, khi chưa đạt được lệnh ngừng bắn.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, các nhà lãnh đạo Canada, Australia và New Zealand kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza. Tuyên bố chung của thủ tướng 3 nước bày tỏ: “Chúng tôi thực sự quan ngại trước những dấu hiệu cho thấy Israel đang lên kế hoạch tấn công trên bộ vào Rafah”. 3 thủ tướng nhấn mạnh: “Một chiến dịch quân sự nhằm vào Rafah sẽ là thảm họa”, đồng thời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng cảnh báo nguy cơ thảm họa từ cuộc tấn công vào thành phố Rafah. Bà Baerbock chia sẻ: "1,3 triệu người đang chờ đợi ở đó trong một khu vực rất nhỏ. Họ thực sự không còn nơi nào khác để đi ngay lúc này... Nếu quân đội Israel tiến hành một cuộc tấn công vào Rafah trong những điều kiện này thì đây sẽ là một thảm họa nhân đạo". Cũng trong ngày 14/2, khi điện đàm với Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kiên quyết phản đối kế hoạch tấn công quân sự ở Rafah.
Những lời kêu gọi trên được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công lực lượng Hamas ở Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của người Palestine ở miền Nam Gaza, sau khi cho phép dân thường rời khỏi khu vực này.