Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths nhấn mạnh chiến dịch quân sự tại Rafah có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến hoạt động nhân đạo vốn đã gặp nhiều khó khăn trong khu vực. Ông cho biết hơn một nửa trong tổng dân số 2,3 triệu người tại Gaza đang nương náu tại Rafah. Họ không có đủ thực phẩm, nơi trú ngụ và gần như không thể tiếp cận dịch vụ y tế. LHQ đang thiếu nguồn cung cứu trợ và nhân lực để duy trì hoạt động nhân đạo, trong khi cộng đồng quốc tế đã phản đối kịch liệt các cuộc tấn công trên bộ vào Rafah. Phó Tổng Thư ký LHQ hối thúc Chính phủ Israel không nên bỏ qua những lời kêu gọi này.
Cùng ngày, Pakistan và Cuba đã phản đối chiến dịch tấn công quân sự của Israel nhằm vào thành phố Rafah. Trong khi đó, Nam Phi đã hối thúc Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) gây sức ép để buộc Israel dừng tấn công tại đây.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 13/2, Quốc vương Jordan Abdullah đã có cuộc tiếp xúc với các thượng nghị sĩ Mỹ ở Washington để thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza.
Trong cuộc gặp, Quốc vương Abdullah đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa nhằm sớm chấm dứt xung đột ở Gaza. Ông tái khẳng định lập trường của Jordan phản đối mọi kế hoạch buộc người dân Gaza phải di dời bên trong hoặc ra ngoài vùng lãnh thổ này. Quốc vương cũng kêu gọi thiết lập khuôn khổ chính trị để hiện thực hóa nền hòa bình công bằng và toàn diện, nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất đảm bảo ổn định lâu dài trong khu vực.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Gaza thông qua việc giải quyết căn nguyên của vấn đề và thành lập Nhà nước Palestine độc lập. Trong bài phát biểu với tư cách khách mời danh dự tại Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới đang diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Tổng thống Erdogan nhấn mạnh mọi giải pháp đều sẽ không thể hoàn thiện nếu không xây dựng được một Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và hội nhập về mặt địa lý dựa trên đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.
Tại Ai Cập, Tổng thống nước này, ông Abdel-Fattah El-Sisi đã có các cuộc gặp riêng rẽ ở Cairo với Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William J. Burns và Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, thảo luận về những diễn biến mới nhất tại Dải Gaza.
Tại buổi tiếp Giám đốc CIA, Tổng thống El-Sisi và ông Burns khẳng định Ai Cập và Mỹ sẽ tiếp tục tham vấn và phối hợp để đạt được lệnh ngừng bắn, bảo vệ dân thường và thực hiện giải pháp hai nhà nước nhằm thiết lập an ninh và ổn định trong khu vực.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Al-Thani, hai bên đã nêu bật mối nguy hiểm cực độ của xung đột ngày càng leo thang tại thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy những nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Liên quan cuộc đàm phán tại Cairo có sự tham gia của đại diện các nước Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar về lệnh ngừng bắn ở Gaza, truyền thông Ai Cập đưa tin các cuộc thảo luận sẽ kéo dài trong 3 ngày. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhận định các cuộc đàm phán đang diễn ra theo đúng hướng.
Tuy nhiên, truyền thông Israel và Mỹ cho biết phái đoàn Israel đã rời Cairo vào tối 13/2 mà chưa thu hẹp được bất đồng lớn nào trong đàm phán.
Theo cơ quan y tế tại Dải Gaza, kể từ khi nổ ra vào tháng 10/2023, xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đã khiến hơn 28.000 người Palestine thiệt mạng. Trong khi đó, thống kê của Israel cho thấy xung đột đã khiến 1.200 người thiệt mạng tại nước này.
Trong bối cảnh hoạt động nhân đạo gặp nhiều khó khăn do chiến sự leo thang, Cơ quan cứu trợ của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) đã hối thúc các nước đang tạm dừng hỗ trợ cho cơ quan này xem xét lại quyết định, tránh để UNRWA phải giảm quy mô hoạt động vào tháng 3 tới. Phát biểu tại thủ đô Amman của Jordan, Giám đốc truyền thông của UNRWA, bà Juliette Touma nêu rõ việc 16 quốc gia đình chỉ hỗ trợ tài chính, trong đó chủ yếu là các nước phương Tây, có thể khiến cơ quan này mất tới hơn 51% nguồn thu dự kiến trong năm nay, gây nguy hiểm cho hoạt động nhân đạo thiết yếu tại Gaza và khu vực.