Tuyên bố của Hamas nêu rõ bất cứ hành động động quân sự nào tại Rafah sẽ gây ra hậu quả thảm khốc, có thể khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương.
Trước đó, hàng loạt quan chức nước ngoài cũng bày tỏ quan ngại về kế hoạch quân sự của Israel tại Rafah - cửa khẩu do Ai Cập kiểm soát và là lối ra duy nhất từ Gaza mà không dẫn đến lãnh thổ của Israel. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo cuộc tấn công của Israel vào Rafah sẽ dẫn đến thảm họa nhân đạo và làm bùng phát căng thẳng nghiêm trọng với Ai Cập. Ông nhấn mạnh tiếp tục đàm phán để giải phóng con tin và ngừng chiến sự là cách duy nhất để ngăn chặn đổ máu.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cảnh báo không thể cho phép một cuộc tắm máu nữa ở Gaza. Ngoại trưởng Anh David Cameron bày tỏ quan ngại sâu sắc về viễn cảnh xảy ra cuộc tấn công quân sự ở Rafah. Ông nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu phải là tạm dừng ngay lập tức cuộc giao tranh để đưa viện trợ và đưa con tin ra ngoài.
Saudi Arabia ngày 10/2 cho biết hoạt động quân sự của Israel tại thành phố Rafah ở phía Nam của Dải Gaza sẽ gây ra "thảm họa nhân đạo", đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) can thiệp. Tuyên bố nêu rõ: “Việc tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế này khẳng định sự cần thiết phải triệu tập khẩn cấp HĐBA để ngăn chặn Israel gây ra thảm họa nhân đạo sắp tới”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ra tuyên bố không không ủng hộ cuộc tấn công trên bộ của quân đội Israel ở Rafah, đồng thời cảnh báo rằng nếu không được lên kế hoạch hợp lý, chiến dịch quân sự này có nguy cơ gây ra thảm họa nhân đạo.
Trước đó ngày 9/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị sơ tán dân thường khỏi Rafah trước khi tiến hành chiến dịch trên bộ chống lại Hamas ở thành phố này.
Theo thống kê mới nhất của Hamas, số người Palestine thiệt mạng tại Gaza kể từ khi xung đột với Israel bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái đã tăng lên hơn 28.000 người.