Theo UNICEF, 100 ngày sau trận động đất kinh hoàng ngày 6/2, vẫn còn 2,5 triệu trẻ em ở Thổ Nhĩ Kỳ và 3,7 triệu ở Syria cần sự hỗ trợ nhân đạo. Trận động đất trên cùng với hàng nghìn cơn dư chấn sau đó đã đẩy nhiều gia đình đến bờ vực thẳm và khiến nhiều trẻ em rơi vào cảnh vô gia cư, không được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, bao gồm nước sạch, giáo dục và chăm sóc y tế. Đồng thời, việc bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương cũng trở nên khó khăn hơn.
Trong thông cáo báo chí, Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nêu rõ: “Sau trận động đất, trẻ em ở 2 quốc gia đã phải trải qua những mất mát và đau buồn ngoài sức tưởng tượng. Trận động đất xảy ra ở những khu vực có nhiều gia đình vốn đã rất dễ bị tổn thương. Trẻ em đã mất gia đình và những người thân, đồng thời chứng kiến nhà cửa, trường học và cộng đồng bị tàn phá cũng như toàn bộ cuộc sống của các em bị đảo lộn”.
Hiện nay, trẻ em dễ bị tổn thương ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, bao gồm bạo lực, tảo hôn hoặc lao động cưỡng bức và thất học. UNICEF cho biết việc học tập của gần 4 triệu trẻ em đang ở độ tuổi đến trường bị gián đoạn, trong đó có hơn 350.000 trẻ em tị nạn và di cư.
Tại Syria, trẻ em đã phải hứng chịu hậu quả của cuộc xung đột quân sự kéo dài 12 năm, tác động tiêu cực đến tất cả cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Các trận động đất vào tháng 2 làm trầm trọng thêm tình hình.
Ước tính có khoảng 51.000 trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính cấp độ vừa và nặng, 76.000 phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần được điều trị suy dinh dưỡng cấp tính. Cùng với đó, có khoảng 1,9 triệu trẻ em đã bị gián đoạn việc học, với nhiều trường học vẫn được sử dụng làm nơi trú ẩn. UNICEF cho biết trong suốt 100 ngày qua, nhiều nạn nhân vẫn đang sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, với căng thẳng gia tăng do không biết khi nào họ phải chuyển từ địa điểm trú ẩn này sang địa điểm trú ẩn khác.
Bà Russell cho biết: “Chặng đường phục hồi còn dài và các gia đình cần sự hỗ trợ liên tục của chúng tôi. Những tác động lâu dài của thảm họa, bao gồm giá lương thực và năng lượng tăng cao cùng với việc mất sinh kế và khả năng tiếp cận các dịch vụ sẽ đẩy hàng trăm nghìn trẻ em chìm sâu hơn vào cảnh nghèo đói. Nếu hỗ trợ tài chính và các dịch vụ thiết yếu không ưu tiên cho những trẻ em và gia đình này như một phần của kế hoạch tái thiết trước mắt và lâu dài thì trẻ em sẽ vẫn có nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng cao hơn”.
UNICEF kêu gọi cộng đồng quốc tế dành sự ưu tiên sớm cho trẻ em trong quá trình tái thiết và đảm bảo rằng các nhu cầu của trẻ em được đáp ứng trong phạm vi phân bổ kinh phí.
Để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Syria, UNICEF đang kêu gọi khoản hỗ trợ 172,7 triệu USD để thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với trận động đất của quỹ này. Cho đến nay, UNICEF đã nhận được 78,1 triệu USD song các cung cấp về dinh dưỡng, y tế và giáo dục vẫn còn thiếu hụt đáng kể.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, UNICEF thiếu 85 triệu USD trong tổng số 196 triệu USD kêu gọi trước đó để đáp ứng các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em.