Ngày 25/11, ông Hamdeen Sabahy, cựu ứng cử viên tổng thống và là lãnh đạo của liên minh chính trị Al-Tayar Al-Sha'aby công bố sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ được tổ chức vào mùa Hè tới ở Ai Cập.Ông Hamdeen Sabahy. Ảnh: egyptindependent |
Trong một tuyên bố, ông Sabahy đã bày tỏ mong muốn ra tranh cử tổng thống theo "gợi ý" của chiến dịch "Ứng cử viên của Cách mạng" song cũng cho biết sẽ chỉ ra tranh cử nếu chiến dịch này "đạt được đồng thuận quốc gia" liên quan tới chương trình và ê kíp vận động bầu cử.
Chiến dịch nói trên được thành lập vào tháng 9/2013 với mục đích ủng hộ ông Sabahy với tư cách là ứng cử viên của các lực lượng cách mạng. Tuy nhiên, ông Sabahy trước đó từng tuyên bố sẽ không ra tranh cử tổng thống nếu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fatah al-Sisi quyết định tham gia cuộc chạy đua cho chức vụ này. Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn hôm 21/11 vừa qua với tờ "Al-Seyassah" của Kuwait, ông Sisi đã không loại trừ khả năng ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Ông Sabahy, 59 tuổi, từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội sinh viên Ai Cập và từng bị chính quyền bắt giữ dưới thời cựu Tổng thống Anwar Al-Sadat và Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak. Sau cuộc cách mạng ngày 25/1/2011, ông Sabahy đã ra tranh cử tổng thống và kết thúc ở vị trí thứ ba trong vòng một với 20,72% số phiếu. Sau đó, vị chính khách này đã thành lập liên minh chính trị Al-Tayar Al-Sha'aby có tên trong Mặt trận Cứu quốc (NSF), liên minh đối lập chính chống lại chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem el-Beblawi cho biết cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp nhiều khả năng sẽ diễn ra vào tháng 1 tới, thay vì vào tháng 12/2013 như dự kiến ban đầu.
Trước đó, Chính phủ lâm thời Ai Cập do quân đội dựng lên sau cuộc chính biến ngày 3/7 lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi đã công bố lộ trình chuyển tiếp chính trị 3 giai đoạn tại quốc gia Bắc Phi này, gồm sửa đổi và thông qua hiến pháp mới; tổ chức cuộc bầu cử quốc hội và tiếp đó là cuộc bầu cử tổng thống.
Cùng ngày, Thẩm phán Hisham Mokhtar, Phát ngôn viên chính thức của Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập, khẳng định 67 tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và 6 NGO nước ngoài sẽ được phép giám sát cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp sắp tới. Ông Mokhtar cũng cho biết cuộc trưng cầu dân ý này sẽ kéo dài từ 9 giờ đến 21 giờ trong hai ngày liên tiếp, song hiện thời điểm vẫn chưa được xác định.
Cũng trong ngày 25/11, cảnh sát Ai Cập đã bắn đạn hơi cay để giải tán các cuộc biểu tình của sinh viên Đại học Al-Azhar và Đại học Assiut phản đối quân đội và cảnh sát. Đây là động thái công khai đầu tiên thách thức chính quyền sau khi Luật biểu tình gây tranh cãi được Tổng thống lâm thời Adly Mansour ký sắc lệnh phê chuẩn hôm 24/11.
TN