Ukraine từng sẵn sàng đáp ứng điều kiện trung lập do Nga đưa ra?

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Douglas MacGregor cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng sẵn sàng đáp ứng một số điều kiện hòa bình của Moskva.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev, Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo đó, vào tháng 3, khi phái đoàn đàm phán của Ukraine và Nga gặp nhau tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), đã xuất hiện thông tin về một hiệp ước tiềm năng, trong đó Kiev sẵn sàng từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và đồng ý trung lập, để đổi lấy việc Nga rút khỏi các chiến tuyến trước tháng 2. 

Vài ngày sau, Tổng thống Zelensky cáo buộc quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh, tuyên bố rằng bằng chứng đã được phát hiện ở Bucha. Ông Zelensky tuyên bố rằng người dân Ukraine sẽ không cho phép ông đàm phán với Nga sau khi phát hiện ra vụ việc và đã đình chỉ đàm phán. Moskva cho rằng bằng chứng ở Bucha là bịa đặt nhằm biện minh cho việc cắt đứt các cuộc đàm phán.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhà sử học quân sự Michael Vlahos, Đại tá MacGregor cho rằng Anh nên chịu trách nhiệm về việc chấm dứt đột ngột các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

“Chúng tôi có bằng chứng rằng vào cuối tháng 3, ông Zelensky đã nói 'tốt, chúng ta có thể trung lập'. Nhưng khi tuyên bố đó đến tai Washington và London, giới chức đã trở nên vô cùng tức giận. Cựu Thủ tướng Boris Johnson nói rằng tuyệt đối không, Anh sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng. Kiev phải giữ vững lập trường và chiến đấu vì từng tấc đất của mình'”, ông nói.

Ông MacGregor không phải là quan chức Mỹ đầu tiên cho biết Tổng thống Zelensky đã sẵn sàng cho thoả thuận hòa bình hồi tháng 3. Bà Fiona Hill - một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, cựu Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về châu Âu và Nga trong chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump - đã tiết lộ vào tháng 9 rằng “giải pháp tạm thời” đã được thống nhất ở Istanbul.

Hồi tháng 5, truyền thông Ukraine cũng cho rằng Tổng thống Zelensky đã bị Thủ tướng Johnson lúc bấy giờ gây áp lực buộc phải cắt đứt các cuộc đàm phán với Nga. Cựu Thủ tướng Johnson đã đến thăm Kiev vào ngày 9/4, trong một cuộc gặp không báo trước. Theo tờ Ukrainskaya Pravda, ông Johnson đã nói với các nhà lãnh đạo rằng ngay cả khi Ukraine sẵn sàng ký một số thỏa thuận hoà bình với ông Putin, phương Tây sẽ từ chối ký các đảm bảo an ninh mà Kiev muốn nhận được theo hiệp ước hòa bình với Nga.

Giờ đây, gần 10 tháng sau khi xung đột nổ ra, ông Zelensky vẫn đình chỉ đàm phán với Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố sẽ giành lại tất các các khu vực đã bỏ phiếu sáp nhập Nga hồi tháng 9 – gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Ông Zelensky cũng khẳng định sẽ giành lại Crimea, sau khi bán đảo này sáp nhập vào Nga kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2014.

Trong nhiều tháng qua, đàm phán Nga - Ukraine vẫn đang trong tình trạng đóng băng khi hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong cuộc họp báo ngày 2/12, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov  nói rằng Tổng thống Putin vẫn cởi mở với các cuộc tiếp xúc đàm phán và Moskva vẫn nghiêng về giải pháp ngoại giao để đạt được các mục tiêu. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc phương Tây không công nhận các vùng lãnh thổ mới sáp nhập là một phần của Nga đang cản trở quá trình tìm kiếm bất kỳ thỏa thuận nào.

Ông Peskov cũng khẳng định Moskva  không chấp thuận điều kiện của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng đàm phán chỉ có thể diễn ra sau khi Nga rời khỏi Ukraine. Gần đây, Tổng thống Putin cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ kéo dài.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Lầu Năm góc bế tắc trong việc gửi loại vũ khí có thể thay đổi cục diện cuộc chiến ở Ukraine
Lầu Năm góc bế tắc trong việc gửi loại vũ khí có thể thay đổi cục diện cuộc chiến ở Ukraine

Không quân Mỹ đã nghĩ rằng họ có một kế hoạch hoàn hảo: Mang những chiếc máy bay không người lái Reaper cũ mà họ đã cố gắng loại bỏ và gửi chúng đến Ukraine, một quốc gia đang khao khát vũ khí tầm xa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN