Ukraine phải mất 35 năm trả nợ cho khoản vay mới của EU

Ủy ban châu Âu (EC) có kế hoạch cung cấp cho Ukraine một gói khoản vay trị giá 18 tỷ USD để giúp đất nước sống sót đến năm 2023. Tuy nhiên, điều kiện được đặt ra ở đây là Kiev phải trả khoản nợ trong vòng 35 năm.

Chú thích ảnh
Biểu tượng đồng euro trước tòa nhà trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP

Dẫn lời Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis nói với các phóng viên ngày 9/11, kênh truyền hình RT cho biết gói vay mới sẽ được chia nhỏ thành hàng tháng với số tiền 1,5 tỷ USD/tháng cho đến năm 2023. Các khoản vay sẽ được trả dần trong 35 năm. EU sẽ vay tiền từ các thị trường toàn cầu và trả lãi cho các khoản vay.

Ông Dombrovskis nói rằng Ukraine đang ở trong tình trạng "cấp thiết" cần được hỗ trợ sau khi cơ sở hạ tầng lưới điện của nước này phải hứng chịu những cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái. Ông cũng kêu gọi các nước thành viên EU và nghị viện EU thông qua gói này trước cuối năm nay.

Tuy nhiên, để đạt được sự đồng thuận hoàn toàn từ các nước EU đối với khoản viện trợ chung này là rất khó khăn. Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaly Varga cho biết quốc gia này sẽ không ký kết thông qua gói vay chung. Trước đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố nước này chắc chắn không ủng hộ bất kỳ hình thức viện trợ chung nào của EU liên quan đến Ukraine.

“Chúng tôi đã làm điều đó một lần. Chúng tôi đã ủng hộ một thỏa thuận cho vay chung trong đại dịch COVID-19. Như vậy là quá đủ rồi”, Ngoại trưởng Szijjarto giải thích.

Khoản viện trợ mới cho Ukraine cần sự đồng thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên.

Từ đầu năm nay, EU đã cho Ukraine vay 4,2 tỷ USD, nằm trong gói cứu trợ lên tới 9 tỷ USD. Bên cạnh đó, liên minh này cũng đã gửi viện trợ quân sự trị giá hơn 2 tỷ USD cho Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hối thúc các nhà lãnh đạo phương Tây viện trợ tài chính để quốc gia có thể duy trì nền kinh tế và hoạt động quân sự. Trong một đoạn video gửi tới Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hồi tháng 10, nhà lãnh đạo nói rằng đất nước của ông sẽ cần 55 tỷ USD vào năm tới để bù đắp thâm hụt ngân sách dự toán và xây dựng lại cơ sở hạ tầng quan trọng trong bối cảnh xung đột với Nga.

Trong bài phát biểu theo hình thức trực tuyến tại hội nghị thảo luận các biện pháp giúp Ukraine nhanh chóng xây dựng lại cơ sở hạ tầng quan trọng và đảm bảo phục hồi sau xung đột tổ chức tại thủ đô Berlin (Đức), Tổng thống Zelensky kêu gọi cần sớm triển khai nhiệm vụ khôi phục trường học, bệnh viện, giao thông và hạ tầng năng lượng mà không cần chờ cho đến khi chấm dứt xung đột.

Cũng trong hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra tầm nhìn dài hạn về tái thiết để biến Ukraine trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp và thành viên EU. Giới lãnh đạo Đức và Ukraine đều thống nhất kêu gọi triển khai một kế hoạch trợ giúp Ukraine tương tự như “Kế hoạch Marshall” từng giúp tái thiết Tây Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

“Chúng ta đều biết rằng lịch sử của hai quốc gia không bao giờ giống nhau. Nhưng từ chính kinh nghiệm lịch sử của mình, chúng tôi cũng hiểu rằng tái thiết là điều luôn có thể và không bao giờ là quá sớm để thực hiện nhiệm vụ này. Vấn đề cốt yếu hiện nay không gì khác ngoài tạo lập một Kế hoạch Marshall mới cho thế kỷ 21, một nhiệm vụ mang tính thế hệ và phải bắt đầu từ bây giờ”, ông Scholz nói.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo RT)
Lầu Năm Góc thừa nhận viện trợ cho Ukraine làm cạn kiệt kho vũ khí Mỹ
Lầu Năm Góc thừa nhận viện trợ cho Ukraine làm cạn kiệt kho vũ khí Mỹ

Ông Colin Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chính sách, thừa nhận việc viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ làm cạn kiệt kho vũ khí của phương Tây và tạo thêm áp lực lên các ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN