Ukraine hoàn tất điều kiện để nhận cứu trợ 'khủng' từ IMF

Ngày 10/4, quyền Bộ trưởng Tài chính Ukraine Oleksander Shlapak tuyên bố Kiev đã thực hiện tất cả các điều kiện mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đặt ra để được giải ngân khoản đầu tiên trong gói cứu trợ 14-18 tỷ USD.

Trước đó, IMF cho biết đã đạt thỏa thuận ban đầu về chương trình bình ổn trị giá từ 14 đến 18 tỷ USD trong hai năm cho Ukraine để đổi lấy việc Kiev phải thực hiện gói các biện pháp ổn định kinh tế, trong đó có áp dụng tỷ giá mềm dẻo của đồng nội tệ, tăng dần giá khí đốt sinh hoạt, cải cách lương hưu và giảm chi phí công.

Cho đến nay, Ngân hàng nhà nước Ukraine đã áp dụng tỷ giá mềm dẻo, được xác định là tỷ giá trung bình vào thời điểm 14h00 hàng ngày giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, giá khí đốt sinh hoạt đã được tăng bước đầu lên khoảng 50% và mới đây, chính phủ đã thông qua dự luật về mua sắm công.

Bộ trưởng Oleksander Shlapak.


Theo Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, Hội đồng điều hành IMF có kế hoạch phê chuẩn chương trình cứu trợ trên cho Ukraine vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 và bà không loại trừ khả năng một phần trong khoản giải ngân này sẽ được dùng để thanh toán nợ khí đốt cho Nga.

Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết có thể tăng hỗ trợ tài chính cho Ukraine lên 3,5 tỷ USD từ mức 3 tỷ công bố trước đó. Điều kiện của gói cứu trợ này là Kiev phải có cách tiếp cận vĩ mô trong giải quyết khủng hoảng kinh tế, được thể hiện trong chương trình giải cứu mà Kiev đang soạn thảo cùng với các chuyên gia của IMF.

Trong chương trình hỗ trợ nền kinh tế đang kiệt quệ do khủng hoảng chính trị của Ukraine, cùng những nguy cơ đe dọa an ninh năng lượng ở châu Âu trong trường hợp Ukraine không có khả năng thanh toán tiền mua khí đốt của Nga dẫn đến ngưng trệ việc cung cấp sang châu Âu, ngoài IMF và WB, các định chế tài chính quốc tế khác cũng nhất trí phối hợp để tăng tổng số tiền tài trợ cho Kiev lên 27 tỷ USD.


Nền kinh tế Ukraine hiện đang phải chống đỡ với nguy cơ phá sản khi ngân khố rỗng không, bất ổn liên miên đã làm đồng nội tệ bị mất giá gần 70% chỉ từ đầu năm 2014 đến nay, trong khi Nga bãi bỏ các ưu đãi trong cung cấp khí đốt và thúc ép thanh toán khoản nợ 2,2 tỷ USD. Theo dự báo của WB, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Ukraine năm 2014 sẽ giảm 3%, lạm phát 15%.


TTXVN/Tin tức

Nga kêu gọi châu Âu cùng hỗ trợ kinh tế Ukraine
Nga kêu gọi châu Âu cùng hỗ trợ kinh tế Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/4 đã gửi thư tới lãnh đạo 18 nước châu Âu mua khí đốt của Nga, trong đó bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình hình kinh tế hiện nay tại Ukraine và hậu quả có thể có đối với việc trung chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN