Dư luận thế giới đang dõi theo một sự kiện có tính chất bước ngoặt liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đó là cuộc trưng cầu dân ý tại nước Cộng hòa tự trị Crimea (Crưm) vào ngày 16/3 tới.
Crimea trước thời khắc lịch sử
Công tác chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về tương lai của Crimea đã gần như hoàn tất. Có tổng cộng 1.204 đơn vị bầu cử cấp địa phương nằm trong 27 đơn vị cấp lãnh thổ trên toàn Crimea. Tổng số 1.550.000 lá phiếu đã được in ấn xong.
Tàu hải quân Ukraine neo đậu tại cảng thuộc Sevastopol, thủ phủ Crimea, ngày 11/3. |
Hãng tin Itar-Tass ngày 14/3 dẫn lời Bộ trưởng thông tin Crimea Dmitry Polonsky nói rằng: Các điểm bỏ phiếu dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ 10 giờ đến 22 giờ (giờ Moskva) ngày 16/3 và kết quả sơ bộ sẽ được công bố ngay trong ngày.
Với tỉ lệ người Nga chiếm 60% dân số ở Crimea, kết quả cuộc trưng dân ý lần này được cho là không khó dự đoán. Để tiến đến việc sáp nhập Crimea vào Nga sẽ còn phải trải qua các bước: Thượng viện và Hạ viện Nga bỏ phiếu chính thức về việc có chấp thuận sáp nhập Crimea hay không và Tổng thống Vladimir Putin sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng. Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Crimea Volodymyr Konstantinov cho biết, ba bước đi này sẽ mất nhiều nhất khoảng 2 tuần. Ông Konstantinov cũng nói thêm rằng, chính quyền Crimea đã giành quyền kiểm soát các mỏ dầu, khí đốt ở khu vực Biển Đen; các công ty của Nga như tập đoàn năng lượng Gazprom có thể tham gia khai thác.
Theo Chủ tịch Ủy ban bầu cử Crimea Mikhail Malyshev, đã có 50 quan sát viên từ hơn 21 quốc gia trên thế giới đăng ký theo dõi cuộc trưng cầu dân ý lần này. Ông Malyshev cũng cho biết, chính quyền Crimea sẵn sàng thảo luận đối với Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) về việc gửi quan sát viên tới Crimea. Trước đó, phát biểu ngày 13/3 sau cuộc họp Hội đồng thường trực OSCE tại Viên (Áo), Chủ tịch OSCE Thomas Greminger cho biết Nga ủng hộ chủ trương triển khai một phái bộ giám sát của OSCE tại Ukraine, bao gồm cả Cộng hòa tự trị Crimea. Theo dự thảo quyết định của OSCE, sẽ có ít nhất 100 quan sát viên quốc tế được cử đến Ukraine. Họ được chia thành nhiều nhóm, được đi lại và làm việc tại các tỉnh, đặc biệt là tại Crimea, theo yêu cầu của Kiev.
Trong khi đó, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatseniuk ngày 13/3 tuyên bố: “Crimea đã, đang và sẽ là một phần không thể tách rời của Ukraine, chính phủ Ukraine sẽ không chấp nhập cuộc trưng cầu dân ý này”.
Nga, phương Tây vẫn bất đồng
Ngày 14/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ John Kerry tại thủ đô London (Anh) để tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trước thềm cuộc gặp, ông Lavrov thừa nhận tình hình hiện nay tại Crimea là "một tình thế khó khăn". Trong khi đó, ông Kerry bày tỏ hy vọng hai bên có thể "giải quyết một số bất đồng" và tìm kiếm những giải pháp thực hiện.
Trong khi đó, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov tuyên bố phương Tây, vốn tự gắn cho mình vai trò tiên phong trong việc bảo vệ nhân quyền, đã làm ngơ trước những hành vi vi phạm ở Ukraine, thậm chí còn hỗ trợ những kẻ tiếm quyền ở nước này. Ông Gatilov khẳng định Nga sẽ đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện này và sẽ sử dụng tất cả các diễn đàn quốc tế, kể cả Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3, những người dân sinh sống ở Crimea (trừ thành phố Sevastopol) sẽ lựa chọn một trong hai giải pháp: Hoặc là sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga như là một chủ thể; hoặc là mở rộng quyền tự chủ nếu vẫn thuộc Ukraine. |
Trước đó, ngày 13/3, trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ đã đệ trình dự thảo nghị quyết về tình hình Ukraine. Dự thảo kêu gọi các nước không công nhận kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Crimea. Đại sứ Mỹ tại LHQ Sammatha Power mô tả cuộc trưng cầu dân ý theo kế hoạch ở Crimea được chuẩn bị một cách vội vàng, không hợp pháp, gây chia rẽ và vi phạm chủ quyền Ukraine.
Về phần mình, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin tuyên bố, chính quyền hợp hiến của Tổng thống Viktor Yanukovych đã bị lật đổ bởi hành động phi pháp của những kẻ theo đường lối dân tộc quá khích, bài Nga. Ông Churkin quy kết chính quyền lâm thời hiện nay đã “không làm gì để tạo lập đối thoại quốc gia, thực hiện cải cách hiến pháp thực chất”, đẩy đất nước chia tách làm hai. Đại sứ Nga cũng tuyên bố phủ quyết dự thảo nghị quyết mà Mỹ đề xuất.
Trong một diễn biến khác, Nghị viện châu Âu (EP) yêu cầu EU phải áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga "trong thời gian sớm nhất" theo kế hoạch “ba bước” đã được thông qua ngày 6/3: đình chỉ hoạt động thương mại và các cuộc đàm phán về tự do hóa thị thực; đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các quan chức Nga và cuối cùng là trừng phạt kinh tế. Thông báo của OSCE cũng cho biết, tổ chức này dừng mọi công tác xem xét việc kết nạp Nga là thành viên.
Hoài Thanh