Nếu cử tri Crimea nói 'có' với Nga?

Trong khi thời điểm Crimea (Crưm) tiến hành trưng cầu ý dân về việc sáp nhập nước cộng hòa tự trị này vào Nga đang đến gần, thì Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa có phương án ứng xử ra sao nếu các cử tri Crimea nói "có" với Nga.

Và lúc này, người ta ghi nhận dường như các hoạt động chống phá cuộc trưng cầu ở Crimea càng trở nên ráo riết hơn.

Báo Độc lập (Nga) chiều 13/3 ghi nhận việc truyền thông Crimea đã đồng loạt lên tiếng về hiện tượng Ukraine và các thế lực thân phương Tây đang ráo riết chuẩn bị các hành động khiêu khích nhằm phá vỡ cuộc trưng cầu ý dân tại bán đảo này vào chủ nhật tới (16/3). Cụ thể, tờ Tiếng vọng Crimea cho biết: "Kiev đã phong tỏa hoàn toàn tất cả các tài khoản tài chính của nước CH tự trị Crimea, cũng như ngăn chặn việc truy cập vào các cơ sở dữ liệu điện tử của cử tri". 

Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk (trái) tỏ ra rất hài lòng sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama diễn ra ngày 12/3 tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters


Theo giới truyền thông, "trên thực tế, người ta đang chuẩn bị các cuộc tấn công (dưới vỏ bọc của quân đội Nga) nhằm vào các đơn vị quân đội Ukraine đang đóng quân tại Crimea, và nếu nổ ra các cuộc tiến công kiểu này, chắc chắn người dân trên bán đảo sẽ là người phải hứng chịu những mất mát lớn lao nhất".

Theo kế hoạch, ngày 16/3, cử tri Crimea sẽ đi bỏ phiếu để trả lời hai câu hỏi, thứ nhất: "Có tán thành việc thống nhất Crimea vào nước Nga trên cơ sở các quyền của một chủ thể Liên bang Nga?"; và thứ hai: "Có tán thành khôi phục Hiến pháp nước Cộng hòa Crimea năm 1992 và Qui chế của Crimea như một phần của Ukraine?”. 

Ban đầu Chính quyền Crimea dự định tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 30/3, song do tình hình an ninh trên bán đảo diễn biến phức tạp khó lường, liên quan hoạt động chống phá của các lực lượng dân chủ cực đoan quá khích từ "đất mẹ" Ukraine, cuộc trưng cầu đã được đẩy lên sớm hơn vào ngày 25/3 và sau đó ấn định vào ngày 16/3.

Cùng ngày 13/3, các phương tiện truyền thông phương Tây đã đồng loạt ghi nhận Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk tỏ ra rất hài lòng sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama diễn ra một ngày trước đó tại Nhà Trắng.

Tờ New York Times cho biết việc Mỹ áp dụng những nỗ lực mới nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đã khiến gia tăng sự căng thẳng giữa Đông và Tây. Nhất là tại cuộc gặp gỡ Thủ tướng tạm quyền Ukraine Yatsenyuk, ông Obama đã hứa Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine. Cụ thể, theo ông Yatsenyuk, Tổng thống Mỹ Obama đã khẳng định sẽ giúp chính phủ mới của Ukraine, thành lập sau cuộc bầu cử vào ngày 25/5 tới, tìm ra con đường đưa Crimea thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông Yatsenyuk đồng thời cho biết "Chính phủ Ukraine sẵn sàng đàm phán để tăng thêm quyền tự trị cho Crimea, trước hết trong vấn đề thuế cũng như vấn đề ngôn ngữ chính thức". 

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán phải căn cứ trên cơ sở hiến pháp. Ông Yatsenyuk cũng không loại trừ khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu ở Crimea, nếu ông được bổ nhiệm sau ngày 25/5, và cuộc trưng cầu này sẽ được Quốc hội Ukraine tổ chức theo đúng quy định của Hiến pháp. Tại cuộc gặp này, ông Yatseniuk tuyên bố: "Ukraine sẽ không đầu hàng Nga", trong khi ông Obama cam kết Mỹ "sẽ đứng bên cạnh Ukraine".

Tờ New York Times cũng ghi nhận việc Thủ tướng Yatsenyuk cố gắng thuyết phục Moskva, theo đó khẳng định sẽ tôn trọng thỏa thuận từ nhiều năm qua cho phép Hạm đội Biển Đen của Nga đóng quân tại Sevastopol. Ông Yatsenyuk cũng cam kết rằng Ukraine sẽ không cắt nguồn điện và nước của Crimea.

Tờ Los Angeles Times cũng ghi nhận việc Tổng thống Obama đảm bảo với Thủ tướng Yatsenyuk sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, nếu Nga can thiệp quân sự tại Ukraine. Ông Obama khẳng định Lầu Năm Góc đã sẵn sàng để tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Cụ thể, Mỹ đã sẵn sàng gửi một chục máy bay chiến đấu và 300 binh sĩ tới Ba Lan, nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho các đồng minh ở Đông Âu. Và để biện minh cho ý định này, các quan chức Mỹ "không ngại" khẳng định nhiều lần rằng họ "không có ý định sử dụng lực lượng quân sự ở Ukraine, nhưng muốn đảm bảo an ninh cho Ba Lan và các nước Baltic khác vốn là thành viên của NATO".

Có thể thấy chưa lúc nào Mỹ và EU lại đạt được sự nhất trí cao và thấu hiểu nhau đến vậy trong việc đòi "duy trì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Tuy nhiên, rõ ràng lúc này đây, theo truyền thông phương Tây, EU và Mỹ đang hết sức bối rối chưa tìm ra giải pháp gì nếu sau ngày chủ nhật 16/3 tới, người dân Crimea đồng loạt nói "có" trong câu trả lời thứ nhất. Họ cũng chưa biết lúc đó nên có thái độ như thế nào với Nga.


Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)


Thủ tướng Đức: Không thể so sánh Crimea với Kosovo
Thủ tướng Đức: Không thể so sánh Crimea với Kosovo

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra cảnh báo rằng Nga có nguy cơ phải hứng chịu những thiệt hại "nghiêm trọng" về cả chính trị và kinh tế nếu Moskva không thay đổi cách hành xử trong vấn đề Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN