Tình hình chiến sự leo thang trong những ngày qua ở Ukraine cùng với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 30/4 phê chuẩn gói cho vay 17 tỷ USD dành cho nước này đã phản ánh một cuộc khủng hoảng kép mà chính phủ tạm quyền ở Kiev đang phải đối mặt.
Trước mắt, Kiev vẫn phải nỗ lực duy trì quyền lực ở khu vực phía đông, trong khi mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đang ngày càng tăng lên, bất chấp việc Ukraine nhận được sự hỗ trợ về kinh tế, chính trị từ các nước phương Tây. Cuộc khủng hoảng này đe dọa gây bất ổn chính quyền lâm thời ở Ukraine, tạo sự bế tắc và ngăn cản khả năng Kiev giải quyết những thách thức kinh tế và quân sự.
Lực lượng biểu tình có vũ trang đóng chốt tại thành phố Donetsk, miền đông Ukraine ngày 6/5. |
Mặc dù theo kế hoạch, 3 tỷ USD đầu tiên trong gói cứu trợ của IMF sẽ được giải ngân từ ngày 5-8/5, thỏa thuận tài chính của Ukraine với IMF vẫn chưa chắc chắn. Để nhận được khoản vay này, IMF đã yêu cầu chính quyền Ukraine phải thực hiện một loạt cải cách kinh tế, trong đó chủ yếu là các biện pháp thắt lưng buộc bụng và tăng thuế. Ngoài ra, do Ukraine còn đang nợ một khoản tiền lớn từ các chủ nợ phương Tây và tập đoàn Gazprom của Nga, nên một tỷ lệ lớn trong gói trợ giúp của IMF có thể chỉ được dùng để trả nợ, thay vì giúp kích thích nền kinh tế đang khủng hoảng. Theo đó, trong số17 tỷ USD được vay, thì 5 tỷ USD là để trả nợ cho các khoản vay IMF trước đó.
Bên cạnh đó, những nỗ lực của Kiev trong việc thực hiện các biện pháp “khắc khổ” theo như thỏa thuận với IMF cũng không bảo đảm cho sự thành công và tính liên tục của gói cứu trợ này. Theo điều kiện của IMF, thỏa thuận với Ukraine sẽ phải đàm phán lại, nếu Kiev mất quyền kiểm soát các khu vực phía Đông. Khu vực phía Đông Ukraine là thủ phủ công nghiệp của đất nước, một số nhà máy và hầm mỏ lớn nhất của nước này hoạt động tại đây, nhất là thành phố Donetsk Oblast, nơi cũng là thủ phủ của chủ nghĩa ly khai ở miền Đông. Bất ổn tiếp diễn ở đây có thể làm giảm sản lượng xuất khẩu và nếu mất quyền kiểm soát thành phố này cũng đồng nghĩa với việc mất đi đáng kể nguồn thu thuế, gây khó khăn cho Kiev trong việc đáp ứng các yêu cầu về thu ngân sách và ổn định vĩ mô mà Ukraine đã cam kết với IMF để có được gói cứu trợ.
Cách thức phản ứng trước cuộc khủng hoảng này cũng đe dọa gây bất ổn ngay với bản thân chính phủ lâm thời. Người dân đang gây áp lực lớn, yêu cầu chính quyền phải bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhất là với hai thành phố Luhansk và Donetsk Oblasts, nơi chiếm tới 15% dân số đất nước. Nếu không làm được điều này, chính phủ lâm thời sẽ bị coi là yếu kém và không có khả năng bảo vệ lãnh thổ trong mắt dân chúng. Việc không có hành động gì cũng tạo cơ hội cho lực lượng ly khai củng cố quyền kiểm soát của họ ở các khu vực phía Đông.
Ảnh hưởng kinh tế từ việc mất kiểm soát phía Đông Ukraine cuối cùng có thể là nguyên nhân gây chia rẽ chính phủ. Chính phủ lâm thời hiện nay - một liên minh gồm các phe phái khác nhau có thể gặp rủi ro mất uy tín khi đưa ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc theo yêu cầu của IMF - tin rằng về dài hạn, sự trợ giúp của IMF sẽ giúp khôi phục nền kinh tế Ukraine. Tuy nhiên, nếu một phần khu vực công nghiệp phía Đông không còn đóng góp cho ngân sách chính phủ, chương trình cứu trợ của IMF có thể bị thay đổi hoặc chấm dứt. Khi đó, Kiev có thể lại phải lựa chọn giữa việc áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc hơn nữa theo yêu cầu của IMF - các biện pháp thường gây sự giận dữ và bất ổn xã hội, với việc quay trở lại với Nga để tìm sự trợ giúp.
Cuộc khủng hoảng kép mà Kiev đang đối mặt đẩy chính phủ lâm thời ở Kiev vào tình thế ngày càng khó khăn hơn. Trong bối cảnh giới lãnh đạo Ukraine đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu của IMF và đương đầu với bất ổn ở khu vực phía Đông, bản thân chính phủ lâm thời cũng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ cao.
Quang Tuyến (Theo Stratfor)