Theo bộ trên, 2 ca bệnh được phát hiện ở huyện biên giới Kasese, miền Tây nước này. Giới chức Uganda xác nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ không phải lây lan trong nước mà từ nước láng giềng Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo. Hiện lực lượng y tế đang theo dõi 9 người đã tiếp xúc với 2 ca bệnh.
Ngày 20/7 vừa qua, CHDC Congo thông báo nước này ghi nhận trên 11.000 ca nghi mắc đậu mùa khỉ, trong đó có khoảng 450 người tử vong. Tháng trước, Kenya cũng thông báo có 1 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, trong khi con số này tại Burundi là 3 ca.
Trước tình hình dịch bệnh tại khu vực, ngày 2/8, Liên minh châu Phi (AU) đã khẩn trương phê duyệt 10,4 triệu USD từ quỹ COVID-19 để hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi nhằm duy trì cuộc chiến chống sự lây lan của virus đậu mùa khỉ trên khắp châu lục. Theo đó, khoản tài trợ này sẽ giúp tăng cường giám sát, xét nghiệm, thu thập dữ liệu, quản lý ca bệnh và sự lây lan, cũng như tiếp cận vaccine.
Thống kê từ 15 quốc gia thành viên AU cho thấy số ca mắc và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã tăng 160% và 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện ở khỉ trong phòng thí nghiệm vào năm 1958, được cho là lây truyền từ động vật hoang dã như loài gặm nhấm sang người hoặc từ người sang người. Đây là một căn bệnh do virus hiếm gặp, thường lây truyền qua dịch cơ thể, các giọt hô hấp và các vật liệu bị ô nhiễm khác. Nhiễm bệnh thường dẫn đến sốt, phát ban và sưng hạch bạch huyết.