UAE đã ký một loạt Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở châu Á, Trung Đông và châu Phi, nhờ đó hoạt động ngoại thương phi dầu mỏ của nước này đã được đẩy mạnh. Với mục tiêu ký kết 26 CEPA, UAE đến nay đã ký các hiệp định này với Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Indonesia, Campuchia và Gruzia. Nước này đang tiếp tục các cuộc đàm phán về hiệp định tương tự với Serbia, New Zealand và Ecuador cũng như các thành viên khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm Philippines, Việt Nam và Malaysia.
Với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với các nền kinh tế Arab, Malaysia dự kiến hoàn tất đàm phán về CEPA với UAE vào cuối năm nay và dự định sẽ tìm kiếm một hiệp định thương mại rộng lớn hơn với GCC nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai khối. Trao đổi thương mại phi dầu mỏ giữa UAE, nền kinh tế lớn thứ hai trong thế giới Arab, và Malaysia đã đạt 4,7 tỷ USD trong năm 2023.
Một số nền kinh tế lớn trên toàn cầu cũng đang theo đuổi các thỏa thuận thương mại với các quốc gia vùng Vịnh. Một Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiềm năng có thể đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và GCC, nơi nắm giữ một phần ba trữ lượng dầu thô của thế giới.
Vương quốc Anh cũng đang đàm phán với GCC về một FTA, trong khi FTA giữa các nền kinh tế vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ tạo ra các cơ hội thương mại trị giá 2.400 tỷ USD. Đặc khu hành chính Hongkong của Trung Quốc cũng đang xem xét khả năng đàm phán về FTA với UAE và các quốc gia vùng Vịnh để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư với các nền kinh tế vùng Vịnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trao đổi thương mại phi dầu mỏ của UAE đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức kỷ lục 1.400 tỷ Dirham (385 tỷ USD), nhờ xuất khẩu phi dầu mỏ tăng trưởng mạnh mẽ. Các CEPA của UAE với các đối tác được kỳ vọng sẽ giúp xuất khẩu của nước này tăng 33% và đóng góp hơn 153 tỷ Dirham (hơn 42 tỷ USD) vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2031.