Tỷ lệ nam giới Nhật Bản tự tử tăng mạnh trong dịch COVID-19

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết có 705 nam giới trong độ tuổi lao động tại Nhật Bản đã tự tử vào tháng 9.

Chú thích ảnh
Dịch COVID-19 góp phần tăng tình trạng tự tử trong nam giới ở độ tuổi lao động tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhận định rằng số người tự tử tại Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu tăng. Áp lực tài chính do COVID-19 kết hợp với tình trạng thiếu tương tác với đồng nghiệp và tâm lý lo ngại tìm kiếm hỗ trợ sức khỏe tâm thần đã dẫn đến tình trạng này.

Dữ liệu mới về tỷ lệ tự tử do Bộ Y tế Nhật Bản công bố cho thấy nam giới trong độ tuổi lao động tại Nhật Bản ngày càng có tâm lý tuyệt vọng. Dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến các công ty lớn cắt giảm mạnh việc làm, tình hình công sở tồi tệ hơn và tiền thưởng cuối năm không còn.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, 705 nam giới trong độ tuổi từ 20-59 đã tự tử trong tháng 9, tăng 56 trường hợp, tương đương 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Tình huống tương tự xảy ra vào tháng 8 với 706 người tự tử, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng cộng có 1.805 trường hợp tự tử tại Nhật Bản trong tháng 9, tăng 143 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà sáng lập công ty du lịch Event Services – ông “Lucky” Mỏimoto - chia sẻ: “Nguyên nhân gồm nhiều thứ nhưng đều bắt nguồn từ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dịch bệnh này đã thay đổi cách chúng ta phải lao động. Chúng ta đã quen với việc sống trong một thế giới nơi mọi người phải đối thoại trực diện với khách hàng hoặc đồng nghiệp và sau đó là đi ăn uống sau giờ tan làm. Nhưng điều này biến mất. Chúng ta phải ở nhà, làm việc từ xa, mọi người cảm thấy cô đơn bởi không có đủ tương tác”.

Ông bổ sung: “Cuộc sống đã quá đủ căng thẳng với áp lực từ công việc và các vấn đề thường nhật như chi trả hóa đơn nhưng nếu chúng ta phải làm việc từ nhà thì sẽ không có cơ hội trao đổi chia sẻ cùng bạn bè để có thêm niềm vui”.

Tình trạng cô lập càng thêm nghiêm trọng trong trường hợp thu nhập cá nhân giảm hoặc mất việc làm.

Năm 2003, có trên 34.000 người tự tử tại Nhật Bản. Đến năm 2019, con số này giảm xuống còn 20.169 trường hợp. Có hy vọng tỷ lệ giảm tiếp diễn, tuy nhiên, dịch COVID-19 đã thành trở ngại.

Cựu lãnh đạo đường dây nóng chống tự tử Denwa – ông Yukio Saito - nhận định: “Những người cho rằng họ ổn trước khi khủng hoảng dịch xảy ra nay lại gặp khó khăn. Căng thẳng về kinh tế tăng lên và ngày càng tồi tệ vì áp lực xã hội. Có nhiều người vào đầu năm nay tin rằng họ an toàn và 2020 sẽ là năm tốt đẹp với họ nhưng mọi chuyện lại không như vậy”.

Ông Saito bổ sung: “Về cơ bản, Nhật Bản vẫn là xã hội bảo thủ và nhiều nam giới đột ngột mất việc làm hoặc không kiếm đủ tiền mặc dù đã rất cố gắng chăm chỉ khiến họ có cảm giác phải chịu trách nhiệm về thất bại này”.

Nhà phân tích Jun Okumura tại Viện Vấn đề Toàn cầu Meiji chia sẻ ông đã phải làm việc từ nhà trong những tháng gần đây và cảm thông với những người vốn đã quen với môi trường làm việc có tương tác với đồng nghiệp. Ông còn cho rằng một vấn đề khác cần phải xử lý là thiếu hỗ trợ đối với những cá nhân mắc vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Ông Okumura phân tích: “Nó không còn quá nặng nề như trong quá khứ nhưng nam giới vẫn có lo ngại về chia sẻ vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Điều này sẽ không thể thay đổi nhanh chóng và đặc biệt là ở thời điểm dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng đến đời sống làm việc tại Nhật Bản”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Báo chí Hàn Quốc lao đao vì đại dịch COVID-19
Báo chí Hàn Quốc lao đao vì đại dịch COVID-19

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn kết quả khảo sát do Tổ chức Báo chí Hàn Quốc (KPF) công bố ngày 25/11 cho biết khoảng 84% các tờ báo và tạp chí ở nước này gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính khi doanh thu giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN