Máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ. |
Hồi tháng 10 vừa qua, Hải quân Mỹ đã tiến hành một cuộc tuần tra tại vùng biển trên để khẳng định lập trường của Mỹ rằng tuyến hàng hải trọng yếu này phải được coi là vùng biển quốc tế. Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết nhiều khả năng cuộc tuần tra tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 1/2016.
Ngày 29/10/2015, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Mỹ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Singapore lo ngại Trung Quốc xây đảo trái phép ở Biển Đông Singapore đã bày tỏ lo ngại về hành động của Trung Quốc xây dựng đảo trái phép tại quần đảo Trường Sa. Điều này giải thích tại sao Singapore "bật đèn xanh" cho Mỹ triển khai máy bay trinh sát P-8 Poseidon nhằm tăng cường an ninh ở Biển Đông trong thời gian tới.
Phóng viên TTXVN tại London dẫn tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 14/12 cho biết Singapore lo ngại rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Theo tờ báo, việc Mỹ triển khai máy bay trinh sát P-8 Poseidon ở Singapore là một trong những động thái mới nhất nhằm đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phát biểu tại Hawaii ngày 14/12, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, cảnh báo rằng luật pháp quốc tế ở Biển Đông đang bị đe dọa do nguy cơ sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các tranh chấp. Đô đốc Swift yêu cầu Trung Quốc đưa các tranh chấp ra trọng tài quốc tế để giải quyết.
Trung Quốc xua đuổi máy bay quan sát của BBC trên Biển Đông
Đài BBC của Anh ngày 15/12 đưa tin hồi năm ngoái, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của đài này từng đi qua Biển Đông trên một tàu cá và trở thành phóng viên đầu tiên tận mắt chứng kiến việc Trung Quốc xây dựng các đảo mới trên các rạn san hô. Một vài ngày trước, ông Hayes trở lại khu vực này trên một máy bay cỡ nhỏ thì vấp phải phản ứng giận giữ và cả đe dọa từ Hải quân Trung Quốc.
Theo BBC, Trung Quốc đã cố đuổi máy bay của hãng này khi quan sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở Biển Đông. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế.
Mới đây nhất, trong một thông cáo được đăng tải trên trang mạng xã hội Microblog hôm 14/12, Tập đoàn Dầu mỏ và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) cho biết đang xây dựng một trạm xăng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng trên vùng biển này. |