Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, “mukbang” là trào lưu vừa ăn vừa ghi hình, một chương trình phát hình nghe nhìn trực tuyến. Trong video mukbang, các nhân vật sẽ ghi lại cảnh họ tiêu thụ lượng thức ăn hoặc đồ uống khổng lồ và trò chuyện cùng khán giả. Trào lưu này phổ biến ở Hàn Quốc từ năm 2010 và sau đó lan rộng trên toàn thế giới. Từ Đài Loan, Nhật Bản đến Mỹ, giờ đây mukbang đã lan đến Ấn Độ.
Một trong những nhân vật quay video mukbang có nhiều người theo dõi nhất ở Ấn Độ là hai cha con sống tại ngôi làng nhỏ Chinnasalem, thị trấn Kallidaikurichi, bang Tamil Nadu. Kênh Youtube “Saapattu Raman” của họ sở hữu hơn 1,2 triệu người đăng ký.
Người con trai, Sabari Kumar, đã biết đến mukbang khi du học ở Ukraine. Khi trở về Ấn Độ vào năm 2018, anh bắt đầu lập kênh YouTube cùng cha mình, ông R. Porchezhiyan, một bác sĩ y học có đam mê ăn uống. Hai cha con Kumar đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng với các thử thách tiêu thụ lượng thức ăn khổng lồ, như thử thách ăn 4kg mít trong 7 phút. Ở video khác, người bố ăn đến 50 quả trứng ốp, 4 con gà và hơn nửa cân cải xanh sống. Các món ăn này đều được mẹ của Kumar chuẩn bị với những công thức đặc biệt.
Xem Video: Hai cha con Kumar thực hiện thử thách ăn 4kg mít trong 7 phút (Nguồn: Youtube):
“Nấu nhiều món ăn cũng là một thử thách, nhưng mẹ tôi xử lý rất thành thạo”, Kumar nói và cho biết chi phí mua thực phẩm cũng khá tốn kém nhưng họ có thể chi trả bằng lợi nhuận thu được từ quảng cáo YouTube. Hai cha con tiết lộ họ có thể tiêu hóa một lượng thức ăn khổng lồ là do “gien tốt” của gia đình và một loại thuốc bổ Ayurvedic mà họ uống hàng ngày.
Cạnh tranh với Saapattu Raman, một kênh mukbang khác mang tên “Food Shood with Bijan” cũng rất nổi tiếng ở Ấn Độ với 513.000 người đăng ký.
Deepika Verma, sống tại Lucknow, bang Uttar Pradesh, có lẽ là nữ mukbanger đầu tiên ở Ấn Độ. Kênh YouTube Foodie Bobby của cô có hơn 49.000 người đăng ký. Verma cho biết cô được truyền cảm hứng từ các video mukbang của Youtuber Peggie Neo và bắt đầu hành trình làm YouTube từ năm 2017.
“Tôi đã ăn một lượng lớn thức ăn. Tôi đã thử món mì ramen cay, bạch tuộc, món Jolo chip nóng nhất thế giới, món khiến tôi thực sự phát ngán trong thử thách của mình”, Verma nói.
Song từ khi phổ biến ở Ấn Độ, Mukbang đã gây tranh cãi vì nhiều lý do như lãng phí thực phẩm hay thúc đẩy thói quen ăn uống không lành mạnh. Bên cạnh đó, những người làm video mukbang cũng dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như béo phì, các vấn đề dạ dày, tiêu chảy, tiểu đường và các bệnh tim mạch.
Hầu hết những người quay video mukbang đều phải điều chỉnh cách ăn để giải quyết lượng thức ăn khổng lồ mà họ tiêu thụ. Họ thậm chí phải nhịn ăn sáng cho đến trưa để dạ dày được nghỉ ngơi.
Vào năm 2020, Trung Quốc đã cấm hàng nghìn tài khoản sản xuất video mukbang trong chiến dịch chống lãng phí thực phẩm.
Saravana Kumar, một sinh viên y khoa người Ấn Độ ở Mỹ, bắt đầu mở kênh YouTube YourEverydayFoodie vào năm 2017. Trong các video của mình, Kumar ăn mọi thứ, từ tổ ong đến nha đam sống. Kênh của Kumar đã thu hút hơn 22.500 người theo dõi, các bài đăng phần lớn giới thiệu về ẩm thực Ấn Độ và Ethiopia.
“Từ khi tôi còn nhỏ, tôi đã thích thưởng thức những món ăn và hương vị ẩm thực mới. Tôi và gia đình thường theo dõi các chương trình nấu ăn trên tivi. Có lần, tôi xem qua video mukbang và đã nhanh chóng bị cuốn hút”, Kumar chia sẻ.
Thông thường, người sản xuất video Mukbang kiếm tiền thông qua doanh thu từ quảng cáo và tài trợ. “Đây không phải là công việc dễ dàng vì cần rất nhiều thời gian và nỗ lực để có được lượng người theo dõi lớn và duy trì sự quan tâm đến các nội dung mà bạn đăng tải. Nhiều người nhận được những lời bình luận ghét bỏ, những lời miệt thị ngoại hình và những lời chỉ trích. Nhưng đối với hầu hết những người đam mê mukbang, chính niềm đam mê ẩm thực đã thôi thúc họ tiếp tục”, Mukbanger Verma chia sẻ.
Còn đối với Saravana Kumar, anh nghĩ rằng tương lai cho mukbang là vô cùng lớn, đặc biệt là ở Ấn Độ. “Không chỉ người Ấn Độ mà nhiều người xem trên toàn cầu cũng yêu thích mukbang vì họ thực sự muốn khám phá các nền ẩm thực khác nhau”, Kumar nói.
Trong khi có nhiều ý kiến phản đối các video ăn uống vô độ này, nhiều nhiều người khác lại coi nó là niềm vui và hạnh phúc. Một số người theo dõi muốn xem video mukbang vì tò mò không biết youtuber có thể ăn hết lượng thức ăn khổng lồ đó hay không. Những người khác lại cảm thấy thú vị vì háu ăn thường được coi là một thói quen đáng xấu hổ. Song đối với nhiều người, xem và nhận xét các video mukbang mang lại cảm giác kết nối, chia sẻ. Hay với những người không ăn được đồ ngọt hay thịt cá, Mukbang có thể là một niềm khao khát và việc xem người khác ăn uống sẽ mang lại niềm vui cho họ.
Trong một bài báo xuất bản vào năm 2020 trên tạp chí Văn hóa, Y học và Tâm thần học, các nhà nghiên cứu cho biết: “Trong xã hội Hàn Quốc, ăn uống là một hoạt động mang tính xã hội sâu sắc và nhiều người Hàn Quốc gần như không thể chấp nhận việc ngồi ăn một mình, đặc biệt là ở nơi công cộng. Do đó, mukbang đã được coi như sự thay thế việc giao tiếp xã hội trong khi ăn một mình”.