Truyền thông Đức: Ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam vẫn còn đến nay

Báo Frankfurter Rundschau (FR) của Đức ngày 9/5 đăng bài viết của tác giả Stefan Brändle nói về vụ kiện tại Pháp của bà Trần Tố Nga đối với các công ty hóa chất đã sản xuất chất độc da cam/dioxin cho lính Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Bài viết nhấn mạnh rằng chất độc vẫn tiếp tục gây hậu quả ở Việt Nam cho đến nay.

Chú thích ảnh
Báo Frankfurter Rundschau (FR) đăng bài viết về vụ kiện của bà Tố Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, mở đầu bài viết, tác giả mô tả về bà Trần Tố Nga, với vẻ ngoài tỏ ra là người mạnh mẽ nhưng mang trong mình số trọng bệnh "không thể đếm hết bằng 10 ngón tay" gồm ung thư vú, tiểu đường typ 2, huyết áp cao, thiếu máu tán huyết (alpha-thalassemia), bệnh trứng cá do clo (chloracne) và bệnh tim mạch. Người phụ nữ Pháp gốc Việt 79 tuổi gần đây mới rõ nguyên nhân bà đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Theo bài báo, khi bị phơi nhiễm năm 1966, bà Tố Nga không hề hay biết về tác hại chết người của chất độc mà bà bị phơi nhiễm cũng như việc độc tố sẽ truyền sang các thế hệ sau bởi chúng không có triệu chứng ngay lập tức. Tuy nhiên, khi nữ nhà báo, nữ giáo viên Tố Nga sinh đứa con đầu lòng năm 1969, bé gái chỉ sống được 17 tháng và đã qua đời do các vấn đề về hô hấp và bong tróc da. Hai người con gái khác của bà vẫn còn sống, nhưng tình trạng sức khỏe rất tồi tệ, trong khi một cháu gái của bà bị bệnh tim. 

Bài báo cho biết, từ năm 1961 đến năm 1971, Mỹ đã sử dụng khoảng 46 triệu lít chất độc da cam/dioxin do các công ty sản xuất hóa chất Mỹ bào chế, trong đó có công ty Monsanto hiện thuộc sở hữu của tập đoàn hóa chất Đức Bayer. Chất độc da cam/dioxin đã tấn công trực diện vào bộ gen, khiến hàng trăm nghìn người chết và hàng triệu người bị bệnh tật. Cho đến ngày nay, ngay cả thế hệ thứ tư sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc, mỗi năm vẫn có khoảng 6.000 trẻ ở Việt Nam sinh ra bị dị tật và mắc các bệnh hiểm nghèo. 

Vào năm 1984, các cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đã được bồi thường gần 180 triệu USD, song những người Việt Nam - những nạn nhân bị phơi nhiễm khi Mỹ phun rải chất phát quang trên diện rộng, lại chưa bao giờ được bồi thường. Bà Tố Nga đã nộp đơn kiện 14 công ty hóa chất như Monsanto và Dow Chemical lên tòa án Evry, nơi bà sinh sống ở miền Nam nước Pháp. Dự kiến phán quyết sẽ được đưa ra trong ngày 10/5. Các công ty hóa chất đổ trách nhiệm cho chính phủ Mỹ trước đây, đồng thời bác bỏ quyền tài phán của tòa đối với vụ kiện, tuy nhiên luật pháp của nước Pháp cho phép thực hiện điều đó.

Theo bài báo, sau phán quyết ngày 10/5, các bị đơn có thể kháng cáo và đó sẽ là điều bất lợi với bà Tố Nga, bởi theo các bác sĩ, thời gian của bà không còn nhiều. Tuy nhiên, người phụ nữ gốc Việt không hề nản lòng. Nếu tiến trình tố tụng vẫn diễn ra, bà Tố Nga cũng muốn mở rộng vụ kiện thêm tội danh "hủy diệt môi sinh" (ecocide) - một tội ác đối với thiên nhiên. Khái niệm này đã được Quốc hội Pháp đưa vào Luật bảo vệ khí hậu mới hồi đầu tháng 5 và việc sử dụng chất khai quang trong chiến tranh sẽ là minh họa thực tế đầu tiên về chất hủy diệt hệ sinh thái. Theo bà Tố Nga, hơn nửa thế kỷ sau những chuyến bay rải chất độc của Mỹ, những "cây đại thụ kỳ lạ" đang mọc lên ở một số nơi tại Việt Nam như trong phim khoa học.

Tin, ảnh: Mạnh Hùng (TTXVN)
Truyền thông quốc tế thông tin đậm về vụ kiện vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Truyền thông quốc tế thông tin đậm về vụ kiện vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Trong những ngày qua, truyền thông quốc tế tiếp tục đăng tải thông tin về vụ bà Trần Tố Nga, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, kiện 14 tập đoàn hóa chất đã cung cấp chất độc cho lực lượng Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam, gây hủy hoại môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe của rất nhiều thế hệ sau này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN