Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nêu rõ: "Nếu phía Mỹ thực sự quan ngại, họ nên cung cấp các ví dụ cụ thể có thể vượt qua được bài kiểm tra về tính minh bạch và sự thật".
Trước đó cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc một số công ty tại Trung Quốc đại lục và vùng lãnh thổ Đài Loan đánh cắp bí quyết công nghệ trị giá 8,75 tỷ USD của tập đoàn sản xuất thiết bị bán dẫn Micron có trụ sở tại Mỹ.
Đây là những cáo buộc mới nhất nhằm vào điều mà Washington gọi là chương trình đánh cắp các bí mật thương mại và công nghiệp có giá trị của Mỹ mà Trung Quốc đang tiến hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã chỉ trích những hành vi trên là "sai trái và là mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ".
Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra những cáo buộc trên chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó hai bên đã thể hiện sự lạc quan đối với việc tìm kiếm những giải pháp cho căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tổng thống Trump khẳng định ông và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc trao đổi "rất tốt đẹp" và các vòng đàm phán thương mại với Trung Quốc "đang tiến triển suôn sẻ". Trong khi đó, ông Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể phát triển một mối quan hệ vững chắc và lành mạnh.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng căng thẳng, nhiều người đã đặt hy vọng vào cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp tới ở Buenos Aires (Argentina). Đây được xem là cơ hội để hai nhà lãnh đạo tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề thương mại.