Trung Quốc tính gì khi đặt căn cứ tàu sân bay lớn nhất thế giới ở Biển Đông?

Trung Quốc không đặt căn cứ tàu sân bay lớn nhất thế giới ở Biển Hoa Đông, Biển Hoàng Hải, vì quá “coi trọng” Biển Đông.

Tạp chí Quốc phòng Kanwa (có trụ sở ở Canada) số ra tháng 8/2015 cho hay, Trung Quốc đã hoàn tất căn cứ tàu sân bay thứ hai lớn nhất thế giới ở Tam Á, đảo Hải Nam. Căn cứ đầu tiên đặt tại Đại Liên, tỉnh miền Bắc Liêu Ninh. Tạp chí này mô tả, căn cứ tàu sân bay ở Tam Á có một cầu tàu lớn đến mức có thể neo đậu được hai tàu sân bay cùng một lúc. Trung Quốc hiện mới có một tàu sân bay – chiếc Liêu Ninh được cải hoán từ tàu cũ mua lại của Ukraine. Tháng 3 vừa qua, sau nhiều đồn đoán, truyền thông đại lục dẫn lời các quan chức hải quân xác nhận Trung Quốc đã khởi đóng tàu sân bay thứ hai và là tàu sân bay nội địa đầu tiên. Theo Kanwa, nhiều khả năng tàu sân bay thứ hai sẽ được đóng chốt tại Hải Nam.

Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc đang sở hữu. Ảnh: US War College


Căn cứ tàu sân bay mới trên đảo Hải Nam có cầu tàu dài tới 700 mét, rộng 120 mét và là âu tàu lớn nhất thế giới hiện nay. Tờ Kanwa nói rằng, căn cứ được khởi công xây dựng vào năm 2011 và được hoàn tất vào năm 2015, dù việc mở rộng vẫn sẽ được tiến hành trong thời gian tới. Căn cứ này cũng rất gần căn cứ tàu ngầm hạt nhân Tam Á trên đảo Hải Nam hiện nay. Nếu hai tổ hợp này được kết nối với nhau, Hải Nam sẽ trở thành căn cứ đa nhiệm lớn nhất của hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc không xác nhận hay bác bỏ thông tin mà Kanwa đưa ra. Trước câu hỏi của phóng viên về việc xác nhận thông tin mà Kanwa đưa ra, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun chỉ nói một cách chung chung rằng các công trình, căn cứ ở Hải Nam sẽ được sử dụng “tùy theo yêu cầu nhiệm vụ”.

Tuy nhiên, ngày 4/8, tờ Nhân dân Nhật báo gần như đã chứng thực những đồn đoán về căn cứ tàu sân bay ở Hải Nam, khi cho đăng một bài phân tích chuyên sâu về căn cứ này. Bài viết của chuyên gia phân tích Ma Yao thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải giải thích vì sao Trung Quốc lại quyết đặt căn cứ tàu sân bay lớn nhất ở Hải Nam.

Trước hết, vị trí địa chiến lược làm cho Hải Nam trở thành địa điểm lý tưởng cho hải quân Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân – ông Ma lý luận. Theo đó, đảo Hải Nam nằm gần 3 eo biển quan trọng chiến lược là Malacca, Lombok và Sunda. Trong trường hợp Mỹ và Nhật Bản phong tỏa “chuỗi đảo thứ nhất” (chuỗi Okinawa – Đài Loan – Philippines), tàu bè của Trung Quốc vẫn có thể thoát ra Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương qua Biển Đông. Theo ông Ma, khống chế trước được Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc bảo vệ được “yếu điểm” là các tuyến hàng hải vận chuyển dầu mỏ nhập khẩu. Một căn cứ ở đảo Hải Nam sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tập trung lực lượng hải quân vào một khu vực trọng yếu chiến lược, nơi lực lượng quân sự của Mỹ tương đối yếu.

Hình hài âu tàu dài hơn 700m tại căn cứ tàu sân bay ở Hải Nam. Ảnh: Google Earth


Thứ hai, ông Ma cho rằng Hải Nam hiện là nơi có nhiều căn cứ quân sự của Trung Quốc, giúp bảo vệ tốt nhất cho căn cứ tàu sân bay. Đặc biệt, ông này chỉ ra rằng trên đảo Hải Nam, quân đội Trung Quốc đã có các phi đội không quân được trang bị  J-11B - loại chiến đấu cơ từng được phái đi ngăn chặn máy bay trinh sát P-8A tối tân của Mỹ hoạt do thám ở Biển Đông hồi tháng 6 vừa qua. “Khả năng phản ứng nhanh chóng, mức độ sẵn sàng chiến đấu cao cùng với kỹ năng của phi công và công nghệ ưu việt có thể khiến nhiều người phải thán phục”, chuyên gia này bình luận về chiến đấu cơ J-11B với giọng điệu đầy tự hào, đồng thời nói rằng J-11B hoàn toàn có thể bảo vệ được các tàu sân bay của Trung Quốc. Ngoài ra, trên đảo Hải Nam còn có căn cứ tàu ngầm Tam Á, nơi đậu đỗ của tàu ngầm hạt nhân lớp Thương Type-093, thành phần không thể thiếu trong cụm tàu sân bay chiến đấu mà Trung Quốc có thể thành lập trong tương lai.

Cuối cùng, ông Ma chỉ ra rằng đảo Hải Nam với lợi thế là vùng biển nước sâu, độ bao quát lớn sẽ là một địa điểm lý tưởng cho lực lượng hạt nhân của Trung Quốc. Các tàu ngầm hạt nhân của nước này phải được bảo vệ trước các vũ khí săn ngầm của đối phương và địa hình ở đảo Hải Nam là một nơi bảo vệ tốt nhất. Việc bố trí một tàu sân bay cạnh lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược nhằm tăng cường thêm một lớp bảo vệ là phương án rất hợp lý trong tác chiến chống các tàu, máy bay săn ngầm của đối phương.

Các chuyên gia cho rằng, mọi lý lẽ mà ông Ma đưa ra đều đi tới một điểm: Trung Quốc quá “bận tâm” đến Biển Đông, vì những yếu tố kinh tế, thương mại và quân sự. Đặt căn cứ tàu sân bay ở Hải Nam, ồ ạt xây “đảo nhân tạo” chỉ là các bước trong kế hoạch “độc chiếm Biển Đông” của Bắc Kinh.
Hoài Thanh (Theo The Diplomat)
Trung Quốc đặt căn cứ tàu sân bay thứ 2 ở Biển Đông
Trung Quốc đặt căn cứ tàu sân bay thứ 2 ở Biển Đông

Trung Quốc nói rằng, việc cảng mới được xây dựng tại đảo Hải Nam có là nơi đóng chốt của các tàu sân bay hay không sẽ được quyết định “dựa trên yêu cầu nhiệm vụ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN