Trung Quốc mua tiếp hàng Mỹ, Tổng thống Trump thêm lợi thế tại các bang chiến địa

Vụ thu hoạch mùa Thu năm nay, Trung Quốc đã tái khởi động việc mua đậu tương của Mỹ. Đây được cho là tin tốt lành đối với nông dân Mỹ cũng như Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Chú thích ảnh
Đậu tương từng là nông sản Mỹ có sản lượng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc. Ảnh: AP

Cách đây một năm, nông trại của anh Dave Walton tại bang Iowa (Mỹ) khó khăn chồng chất khó khăn khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến sản lượng đậu tương xuất khẩu của nông trại này giảm đáng kể.

Nhưng một năm sau, Dave tìm được người mua nước ngoài. Đậu tương anh thu hoạch được từ tuần trước đang trên đường hướng về Mississippi River để tới một cảng xuất khẩu. 

“Vấn đề thương mại với Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhưng tôi nghĩ Tổng thống Donald Trump đã đạt được tiến bộ lớn và ông ấy có thể tiếp tục nếu ông có được một nhiệm kỳ tiếp”, anh Dave - một cử tri độc lập – cho hay. Mặc dù chưa có quyết định về việc sẽ bỏ phiếu cho ai song Dave tỏ ý lo ngại cựu Phó Tổng thống Joe Biden đại diện cho đảng Dân chủ có thể yếu thế hơn so với Tổng thống Trump khi nói về thương mại.

Cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến cho nông dân trồng đậu tương tại Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề. Giá đậu tương giảm mạnh và lượng tồn kho đạt mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, vào vụ thu hoạch mùa Thu năm nay, Trung Quốc đã tái khởi động việc mua đậu tương của Mỹ. Đây được cho là tin tốt lành đối với nông dân Mỹ cũng như Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Người nông dân là một trong những nhóm đối tượng ủng hộ cốt lõi của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng như đóng vai trò then chốt tại các bang chiến địa Trung Tây.

Tổng thống Trump đã gửi hàng tỷ USD hỗ trợ liên bang cho nông dân trong vài năm qua, bao gồm khoảng 23 tỷ USD để giúp bù đắp thiệt hại do chiến tranh thương mại và 10 tỷ USD khác vào đầu năm nay để giúp nông dân vượt qua đại dịch.

Theo tổ chức Purdue University/CME Group Ag Economy Barometer – đơn vị đảm trách đánh giá nền kinh tế nông nghiệp Mỹ, một đợt viện trợ khác liên quan đến COVID-19 mà Tổng thống Trump công bố vào tháng 9 vừa qua đã giúp nhà lãnh đạo Mỹ giành được sự tín nhiệm của giới nông dân lên mức cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch.

Chỉ sáu tháng trước, mức độ tín nhiệm trên giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm. Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cú sốc lên chuỗi cung ứng thực phẩm và một số nông dân thậm chí còn bị phá sản.

Khi Tổng thống Trump đạt được thỏa thuận thương mại "Giai đoạn Một" với Trung Quốc vào tháng 1/2020, các chuyên gia vẫn bày tỏ nghi ngờ các cam kết mua với sản lượng lớn sẽ không được đáp ứng. Tính đến tháng 8, Bắc Kinh chỉ mua 11 tỷ USD trong số 36,6 tỷ USD như cam kết. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò do Đại học Purdue thực hiện, một nửa nông dân tin rằng những cam kết đó sẽ được hoàn thành.

Grant Kimberley, một nông dân đồng thời là Giám đốc phát triển thị trường của Hiệp hội Đậu tương Iowa, cho hay: “Chúng tôi sẽ không hoàn thành mục tiêu trong thỏa thuận Giai đoạn Một, một phần vì Trung Quốc đã bắt đầu mua quá muộn trong năm nay. Nhưng nếu họ tiếp tục với tốc độ này, mục tiêu có thể hoàn thành trong năm tới”.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Ông Trump hầu như không còn hy vọng vào điều kì diệu ‘vaccine tháng 10’
Ông Trump hầu như không còn hy vọng vào điều kì diệu ‘vaccine tháng 10’

Công ty dược Pfizer (Mỹ) ngày 16/10 ra thông báo sẽ không nộp đơn cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp trước tuần thứ 3 của tháng 11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN