Tờ Daily Mail (Anh) đưa tin trạm vũ trụ Thiên Cung được phóng vào tháng 4/2021 và đến cuối năm nay sẽ bổ sung thêm hai module Vấn Thiên (Wentian) và Mộng Thiên (Mengtian) đóng vai trò cơ sở khoa học.
Trước cuối năm nay, Trung Quốc dự định thực hiện thêm 6 vụ phóng đưa thiết bị lên hoàn thiện Thiên Cung, trong đó có cả sứ mệnh đưa phi hành đoàn đến trạm vũ trụ này.
Giới chức Trung Quốc tiết lộ trong các kế hoạch đối với Thiên Cung, có nội dung mời phi hành gia từ các cơ quan vũ trụ khác đến thăm và biến công trình này thành trung tâm điều khiển kính viễn vọng không gian Xuntian.
Trợ lý giám đốc Văn phòng Kỹ thuật Vũ trụ Trung Quốc (CMSEO) cho biết: “Trong tương lai gần, sau khi hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung, chúng ta sẽ chứng kiến các phi hành gia Trung Quốc và nước ngoài cùng bay, làm việc với nhau”.
Chi tiết về các kế hoạch trong tương lai của Thiên Cung đã được thảo luận trong cuộc họp báo sau khi tàu Thần Châu 13 đưa các phi hành gia từ trạm vũ trụ này trở về Trái Đất vào tháng 4.
Trung Quốc dự định đến tháng 6 đưa ba phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung. Trung Quốc đã dành vài thập niên gần đây để dần dần xây dựng trạm vũ trụ theo phong cách của ISS sau khi nước này bị Mỹ loại khỏi hợp tác trên ISS. Nga gần đây tuyên bố sẽ rút khỏi ISS trong 2 năm tới. Thiên Cung nằm ở vị trí cao hơn 161 km so với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và có kích thước bằng 1/5 ISS.
Dự kiến trong tương lai trạm vũ trụ Thiên Cung sở hữu tới 6 module, vẫn được coi là khiêm tốn so với ISS vốn có 17 module trong đó có 8 module của Mỹ, 6 module của Nga, 2 module thuộc về Nhật Bản và một module của châu Âu.
Trung Quốc đang hướng đến hợp tác với các quốc gia khác về lĩnh vực vũ trụ, nhiều khả năng là Nga và thành viên Liên minh châu Âu (EU).