Theo hãng tin Reuters (Anh), giới chức Mỹ cho biết họ vẫn cảnh giác về khả Trung Quốc sẽ ủng hộ Nga trong dài hạn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ về kinh tế và quân sự - điều mà Washington lo ngại – vẫn chưa xảy ra, ít nhất là đến thời điểm hiện tại. Các chuyên gia nhận định đây là diễn biến đáng hoan nghênh trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung đang leo thang căng thẳng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị cho chuyến công du châu Á vào cuối tháng này, với trọng tâm là cách đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngoài ra, chính quyền của ông sắp công bố chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên về sự trỗi dậy của Trung Quốc như một siêu cường.
Quan chức Mỹ cho biết ngoài việc không ủng hộ trực tiếp nỗ lực chiến tranh của Nga, Trung Quốc đã tránh ký kết các hợp đồng mới giữa các nhà máy lọc dầu quốc doanh của đất nước với Nga, dù được hưởng giá chiết khấu mạnh. Vào tháng 3, Tập đoàn Sinopec do nhà nước điều hành đã đình chỉ đàm phán về dự án đầu tư hóa dầu và liên doanh tiếp thị khí đốt mới ở Nga.
Tháng trước, đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc cho biết việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine là một “thắng lợi”. Điều này cho thấy nỗ lực cân bằng giữa Nga và phương Tây của Bắc Kinh có thể là kết quả tốt nhất cho Washington.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và chỉ trích hàng loạt biện pháp trừng phạt sâu rộng của phương Tây đối với Moskva. Ngoài ra, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc cũng tăng vọt trong quý đầu tiên và hai bên tuyên bố quan hệ đối tác “không có giới hạn” vào tháng 2 vừa qua.
Hôm 2/5, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã gửi đi một tài liệu dài 30 trang cáo buộc Mỹ đưa tin “sai sự thật” làm mất uy tín của Trung Quốc đối với Ukraine. Tài liệu cho biết vụ rò rỉ thông tin hồi tháng 3 vừa qua nói rằng Nga đã tìm kiếm sự giúp đỡ quân sự của Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh rằng giới chức Mỹ đã không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh điều đó.
Vào tuần trước, Ngoại trưởng Antony Blinken nói với Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện rằng “hiện tại, Mỹ không nhận thấy Trung Quốc có hỗ trợ đáng kể nào đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine”.
Ông Biden sẽ đến Tokyo và Seoul trong chuyến công du đầu tiên đến châu Á với tư cách là Tổng thống Mỹ. Song, theo kế hoạch, ông sẽ không dừng chân ở Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ chỉ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Australia, trong cuộc họp nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD) ở Tokyo.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Quỹ Marshall của Mỹ, cho biết những cảnh báo rõ ràng của Mỹ và Liên minh châu Âu cho đến nay đã có tác dụng. Bà nói: “Đã có thông điệp nhất quán rằng nếu Trung Quốc làm vậy, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Dường như cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa làm điều đó. Nhưng vẫn có khả năng Trung Quốc sẽ thay đổi suy nghĩ”.
Hôm 1/5, Tập đoàn năng lượng Gazprom công bố nguồn cung khí đốt của Nga cho Trung Quốc đã tăng gần 60% trong 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh Nga bị trừng phạt, các công ty Trung Quốc đang nổi lên là khách hàng thuộc nhóm số ít sẵn sàng mạo hiểm mua khí tự nhiên hoá lỏng từ Nga. Đây cũng là điều khiến phương Tây cảnh giác.