Trung Quốc tìm cách bảo vệ tài sản trước lệnh đóng băng của Mỹ

Động thái này diễn ra trong bối cảnh hơn 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga trong các ngân hàng ở nước ngoài bị Mỹ và các đồng minh đóng băng hoặc đe dọa tịch thu.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ - CCO

Tờ Financial Times trích dẫn một số nguồn thạo tin cho hay các nhà lập pháp Trung Quốc đã tổ chức họp khẩn cấp với các ngân hàng lớn trong và ngoài nước để thảo luận về những biện pháp bảo vệ tài sản nếu Mỹ áp đặt cấm vận tương tự như những lệnh trừng phạt đối với Nga hồi tháng 2. 

Cuộc họp diễn ra hôm 22/4 và có sự tham gia của giới chức Ngân hàng Nhân dân và Bộ Tài chính Trung Quốc. Đại diện của tất cả các ngân hàng quốc gia ở nước này đều tham gia, cũng như là các tổ chức cho vay nước ngoài lớn đang hoạt động ở đây, chẳng hạn như HSBC.

Theo các nguồn tin của Financial Times, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính mở đầu cuộc họp và nói rằng Bắc Kinh đã đặt trong tình trạng báo động về khả năng thu giữ tài sản nước ngoài của phương Tây khi quan sát những gì Mỹ và các đồng minh đã làm với Nga.

Tháng 3 vừa qua, các quan chức Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga báo cáo rằng Mỹ và các nước đồng minh đã thu giữ khoảng 300 tỷ USD trong số khoảng 642 tỷ USD dự trữ ngoại hối của nước này. Những tuần gần đây, giới chức ở Washington và Brussels đã đe dọa sẽ tịch thu số tài sản trên hoặc chuyển giao cho Ukraine sử dụng.

Một nhân vật dự hội nghị ngày 22/4 cho biết nội dung thảo luận không đề cập đến những kịch bản đóng băng tiềm tàng. Nhân vật này nhận định rằng sự tách biệt giữa nền kinh tế Trung Quốc và phương Tây sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với Nga vì dấu ấn kinh tế của Bắc Kinh phủ khắp thế giới.

Trung Quốc hiện có hơn 1,5 nghìn tỷ USD tài sản được lưu trữ tại Mỹ, trong đó có khoảng 1.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ ở New York. Chính phủ Trung Quốc và các công ty nhà nước cũng sở hữu hàng trăm tỷ USD tài sản ở nước Mỹ, bao gồm các công ty, bất động sản, cổ phiếu, thương hiệu và dịch vụ.

Việc đóng băng tài sản của Nga không phải là lần đầu tiên Mỹ và các đồng minh tịch thu tài sản nước ngoài. Năm ngoái, Washington đã tịch thu khoảng 7 tỷ USD tài sản của Afghanistan bị mắc kẹt ở quốc gia này sau khi thủ đô Kabul thất thủ dưới tay Taliban.

Hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp phân chia số tài sản thành quỹ cứu trợ và quỹ bồi thường cho các nạn nhân vụ khủng bố 11/9. Taliban và các nhóm nhân quyền Afghanistan đã phản đối động thái trên, đồng thời nói rằng Kabul rất cần nguồn vốn bị đóng băng để tái thiết đất nước sau hai thập kỷ chiến tranh.

Trước đó, chính phủ và các ngân hàng phương Tây cũng đã thu giữ hàng chục tỷ USD tài sản thuộc về Venezuela, Libya và Iran.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về những tác động bất lợi mà các vụ tấn công vào tài sản của nước khác ở nước ngoài có thể gây ra đối với sự ổn định của hệ thống kinh tế do phương Tây thống trị. Nếu nỗi lo ngại chính phủ Mỹ có thể tịch thu tài sản tiền tệ bất cứ lúc nào bị lan rộng, điều này có thể gây thiệt hại lớn cho đồng USD và làm suy giảm mức độ tin cậy của các ngân hàng phương Tây.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Sputnik)
Trung Quốc tuyên bố đóng băng dự trữ ngoại hối là vi phạm chủ quyền quốc gia
Trung Quốc tuyên bố đóng băng dự trữ ngoại hối là vi phạm chủ quyền quốc gia

Đặc phái viên Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã lên tiếng phản đối các vụ tịch thu hoặc đóng băng tài sản của nước khác một cách tùy tiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN