Trung Quốc đối mặt sức ép thương mại mới dưới thời Tổng thống Mỹ Biden

Nhiều nhà phân tích đánh giá tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không gây khó cho Trung Quốc ngay lập tức nhưng ông sẽ phàn nàn về vấn đề thương mại và công nghệ - điều khiến người tiền nhiệm Donald Trump năm 2018 tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp năm 2011. Ảnh: The Diplomat

Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn nhận định của các nhà kinh tế học cho rằng các nhà đàm phán Mỹ sẽ giảm tập trung vào vấn đề thặng dư thương mại với Trung Quốc, vốn thường được Tổng thống Trump nhắc đến. Thay vào đó, họ sẽ đẩy mạnh kích thích để Trung Quốc cởi mở nền kinh tế hơn, đây là vấn đề dài hạn. Các nhà kinh tế dự đoán sẽ không có giảm thuế đột ngột hoặc thay đổi lớn nào.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki ngày 25/1 thông báo tân Tổng thống Biden đang đánh giá lại vấn đề thuế với hàng hóa Trung Quốc và muốn hợp tác với các đồng minh. Bà Jen Psaki cũng không đề cập đến khả năng xuất hiện thay đổi và nêu rõ: “Ngài Tổng thống cam kết chấm dứt hành động bạo hành kinh tế của Trung Quốc”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong khi đó đề nghị Mỹ có “thái độ xây dựng” và “rút kinh nghiệm từ chính sách sai lầm của ông Trump”. Ngày 26/1, ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: “Hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả hai phía”.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bùng phát từ giữa năm 2018, hai nước liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Vào tháng 1/2020, Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại “Giai đoạn Một”. Qua đó, Trung Quốc cam kết nhập khẩu thêm đậu nành và nhiều sản phảm xuất khẩu khác của Mỹ. Bên cạnh đó Trung Quốc chấp nhận ngưng gây áp lực để các công ty phải chuyển giao công nghệ khi muốn hoạt động ở thị trường tỷ dân này. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ nhập khẩu được 55% so với lượng cam kết.

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Trump đã tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc từ năm 2017. Ảnh: Reuters

Thặng dư thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã giảm 19% trong năm 2019 so với một năm trước đó và hạ 15% trong 9 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, mục tiêu đưa việc làm quay trở lại Mỹ của cựu Tổng thống Trump vẫn chưa thể đạt được như mong muốn. Một nghiên cứu của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung và công ty Oxford Economics cho thấy Mỹ “bay hơi” 245.000 việc làm vì các mức thuế trừng phạt với Trung Quốc.

Cựu Tổng thống Trump tăng áp lực bằng việc “tấn công” tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei. Bắc Kinh phản hồi bằng cam kết đẩy mạnh chiến dịch tự lực “năng lực công nghệ”.

Ông Tu Xinquan tại Viện nghiên cứu WTO thuộc Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế (Trung Quốc) đánh giá Mỹ sẽ không nới lỏng hạn chế công nghệ bởi Washington coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh. Cũng theo ông Tu Xinquan, việc cắt giảm thuế cũng chỉ mang tính ngắn hạn và Tổng thống Biden có khả năng vẫn bảo vệ mức thuế bổ sung đã được áp dụng.

Người được ông Biden bổ nhiệm giữ vị trí Đại diện thương mại Mỹ thay thế ông Robert Lighthizer – bà Katherine Tai trong một bài phát biểu vào tháng 1 này đã gửi gắm thông điệp đến Trung Quốc.

Bà Katherine Tai nêu rõ: “Chúng ta đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh từ một Trung Quốc tham vọng và đang phát triển. Một Trung Quốc với những nhà hoạch định kinh tế không chịu áp lực từ bầu cử dân chủ, ý kiến đại đa số và kiêm nhiệm chính trị”.

Nhà phân tích Raoul Leering tại tập đoàn ING (Hà Lan) đánh giá điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải thay đổi nếu muốn có tiến triển. Theo ông Raoul Leering, Tổng thống Biden sẽ hạn chế rào cản thương mại dựa trên tốc độ cải tổ và thay đổi chính sách của Trung Quốc.

Hà Linh/Báo Tin tức
Nhà Trắng hé lộ cách tiếp cận của Tổng thống Biden với Trung Quốc
Nhà Trắng hé lộ cách tiếp cận của Tổng thống Biden với Trung Quốc

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chọn cách tiếp cận “kiên nhẫn” với Bắc Kinh, đồng thời lên kế hoạch đánh giá lại các chính sách khắc nghiệt từng là dấu ấn trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN