Luật sư Pierre Schifferli tham gia một tọa đàm về chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông diễn ra vào tháng 4/2016 tại Quảng trường Liên hợp quốc, thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN |
Nhận xét trên được ông Schifferli đưa ra tại Hội thảo quốc tế với chủ đề "Tranh chấp tại Biển Đông – Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và việc thực thi phán quyết" diễn ra ngày 6/12 tại Geneva.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Luật sư Schifferli cho rằng việc Trung Quốc công khai bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài ở La Haye và sử dụng vũ lực một cách hung hăng là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc theo điều 2 khoản 4.
Nhận định này của Luật sư Pierre Schifferli cũng nhận được sự đồng tình của nhà nghiên cứu người Anh Bill Hayton, thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia các vấn đề quốc tế tại London. Ông Hayton cho rằng Trung Quốc đang trong tình thế nan giải khi yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh với phần lớn Biển Đông bị lên án và tham vọng biển của nước này đang xung đột trực tiếp với luật pháp quốc tế.
Theo nhà phân tích Theresa Fallon, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Nga, châu Âu và châu Á (CREAS), Trung Quốc đang cố đưa ra những giải thích đi ngược lại những quan niệm của luật pháp và tập quán quốc tế. Trong bài thuyết trình mang tựa đề “Ảnh hưởng của việc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa Biển Đông đối với hòa bình và an ninh tại khu vực”, bà Theresa Fallon nhấn mạnh rằng việc xây dựng và mở rộng các thực thể ở Biển Đông đang gây ảnh hưởng tới nhiều vấn đề, đặc biệt ảnh hưởng tới nguồn trữ lượng cá và dầu mỏ
Về thực thi phán quyết của Tòa trọng tài ở La Haye và các giải pháp hòa bình cho tranh chấp tại Biển Đông, ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đã trình bày tham luận về “Thái độ và phản ứng của các biên liên quan cũng như của cộng đồng quốc tế đối với phán quyết của Tòa trọng tài về tranh chấp tại Biển Đông”. Theo đó, trước và sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết trên, số các quốc gia bày tỏ phản đối Tòa trọng tài và phản đối phán quyết đã giảm đáng kể. Cụ thể, nếu như trước thời điểm ngày 12/7/2016 - ngày Tòa ra phán quyết về vấn đề Biển Đông, có tổng số 31 quốc gia tuyên bố phản đối Tòa trọng tài, thì sau ngày 12/7 vừa qua, số các quốc gia phản đối các phán quyết đã giảm hơn 5 lần còn 6 quốc gia.
Với các quốc gia Đông Nam Á có liên quan trực tiếp tới phán quyết, Giáo sư Giuseppe Cataldi, Chủ tịch Hội quốc tế về Luật Biển, Đại học Phương Đông tại Naples, Italy, đề xuất các giải pháp cần thiết nhằm đặt ra một trật tự hành xử thích hợp tại Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, trước hết cần tránh các hành động đơn phương có nguy cơ làm trầm trọng hơn căng thẳng giữa các bên. Thứ hai, các quốc gia cần kiếm hợp tác trong khả năng có thể vì lợi ích chung. Chủ tịch Hội quốc tế về Luật biển, Đại học Phương Đông tại Naples cũng đưa ra ý kiến theo đó các bên có thể gác lại tạm thời trong lúc này các tham vọng, yêu sách để hợp tác chia sẻ, quản lý nguồn lợi tại khu vực. Giáo sư Giusepte Cataldi nhấn mạnh rằng quan trọng nhất là tìm cách đối thoại, đàm phán, hợp tác trong sự tôn trọng luật pháp.
Về phần mình, Giáo sư Robert Kolb thuộc Khoa Luật, Đại học Geneva, đã chia sẻ với cử tọa bài thuyết trình cô đọng và đáng chú ý về quy chế của Hoàng Sa và Trường Sa, tại Biển Đông. Theo đó, Giáo sư Robert Kolb khẳng định Việt Nam có những lý lẽ pháp lý thuyết phục, mạnh mẽ nhất để chứng minh chủ quyền với cả Hoàng Sa và Trường Sa. Để xác định chủ quyền với các quần đảo này, phải tìm đến các chứng cứ về việc chủ quyền lần đầu tiên, Giáo sư Robert Kolb nhấn mạnh ngay từ thế kỷ thứ 18, nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền với Hoàng Sa bằng các văn bản chính thức, duy nhất, không bị cạnh tranh bởi bất cứ quốc gia nào trong khu vực.
Với Trường Sa, cần trở lại với các văn bản chính thức dưới thời thực dân Pháp công bố những năm 1920 và 1930, về chủ quyền với quần đảo này. Một lần nữa, với Trường Sa, những văn bản xác lập chủ quyền với quần đảo này cũng không hề bị cạnh tranh bởi tuyên bố hay văn bản chính thức của bất cứ quốc gia nào trong khu vực.
Kết thúc hội thảo, các chuyên gia luật pháp và học giả đã nhấn mạnh sự cần thiết duy trì hòa bình và trật tự trong khu vực Biển Đông, tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với luật pháp quốc tế tại Biển Đông, không chỉ đối với các quốc gia Đông Nam Á mà với cả cộng đồng quốc tế. Các học giả cũng tái khẳng định nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các giải pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Các luật gia và học giả tuyên bố hoan nghênh phán quyết công bố ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài tại La Hay. Phán quyết nói trên đã góp phần thu hẹp phạm vi địa lý các tranh chấp và mở ra cơ hội cho việc giải quyết tranh chấp và thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của bảo vệ và phát triển bền vững tại Biển Đông. Hội thảo cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng các thiết chế an ninh khu vực, thúc đẩy các giải quyết tranh chấp thông qua ngoại giao và luật pháp, xúc tiến thực hiện Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và tham vấn xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình và ổn đinh khu vực.
Hội thảo "Tranh chấp tại Biển Đông – Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và việc thực thi phán quyết" đã quy tụ 9 diễn giả là chuyên gia trong các lĩnh vực luật pháp và quan hệ quốc tế, đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Mỹ, Anh, Bỉ, Thụy Sĩ, Italy và Australia.