Thị trường ca cao đang chịu khá nhiều sức ép về khả năng dư cung cũng như giá cả trước triển vọng Tây Phi (gồm bốn nhà sản xuất cacao chủ chốt là Cốt Đivoa, Ghana, Nigiêria và Camơrun sẽ lại có một vụ thu hoạch bội thu hơn trong niên vụ 2011-2012.
Cốt Đivoa, nước sản xuất cacao lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ thu hoạch 1,3-1,5 triệu tấn trong niên vụ 2011-2012. Trong niên vụ trước, bất chấp chiến sự xảy ra trước thềm bầu cử khiến hoạt động xuất khẩu tạm ngừng 3 tháng, sản lượng cacao của nước này vẫn đạt kỷ lục 1,5 triệu tấn. Quốc gia đứng thứ hai về sản lượng ca cao - Ghana - dự kiến sẽ tăng sản lượng từ 632.000 tấn trong niên vụ trước lên hơn 1 triệu tấn nhờ thời tiết thuận lợi và các biện pháp khuyến khích nâng cao sản lượng ca cao. Trong khi đó, hai nhà sản xuất nhỏ hơn là Nigiêria và Camơrun cũng nâng dự báo sản lượng thêm 10-15% và 18% so với sản lượng 300.000-350.000 tấn và 202.000 tấn của niên vụ trước nhờ áp dụng các biện pháp canh tác mới.
Theo dự báo mới nhất của Tập đoàn tài chính Credit Suisse Group AG, giá ca cao trong 3 và 12 tháng tới được dự đoán sẽ hạ từ 3.000 USD/tấn và 2.800 USD/tấn xuống các mức tương ứng 2.700 USD/tấn và 2.400 USD/tấn đưa ra trước đó. Với các mức giá như hiện nay thị trường dường như vẫn khá đắt đỏ, nhưng cuối cùng giá cả đang trên đường hướng tới mức giá hợp lý hơn.
Tuy vậy trong phiên 7/10 tại Sở giao dịch hàng hóa Niu Yoóc (NYBOT) giá ca cao giao tháng 12/2011 lại tăng lên 2.676 USD/tấn so với 2.658 USD/tấn tuần trước đó và tại Sở giao dịch hàng hóa Luân Đôn (LIFFE), giá ca cao giao cùng kỳ hạn đứng ở mức 1.735 bảng Anh/tấn, tăng so với 1.734 bảng Anh/tấn tuần trước đó. Lý do là đà tăng giá trên thị trường chứng khoán và đồng USD yếu đi làm khách mua bằng các ngoại tệ khác có lời hơn đã khuyến khích làn sóng mua vào.
TTXVN/Tin tức