Trên 32.000 người di cư thiệt mạng hoặc mất tích chỉ trong 4 năm

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết hơn 32.000 người di cư trên toàn thế giới đã thiệt mạng hoặc mất tích trong giai đoạn 2014 - 2018, với hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra trên tuyến di cư từ Bắc Phi đến châu Âu qua Địa Trung Hải.

Cơ quan di cư của Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng số liệu trên của IMO chưa phản ánh hoàn toàn chính xác tình hình thực tế và mức độ nghiêm trọng của vấn đề vì nhiều trường hợp di cư tử vong không được báo cáo và nhiều thi thể mất tích chưa được tìm thấy.

Chú thích ảnh
Hai cha con người di cư Salvador bị chết đuối khi vượt sông Rio Grande ở Matamoros, bang Tamaulipas, Mexico, trong hành trình tới Mỹ ngày 24/6/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy bức tranh hết sức nghiệt ngã về những hiểm nguy đang rình rập hàng trăm ngàn người tị nạn và người di cư mạo hiểm mạng sống của bản thân để tìm kiếm sự bảo vệ hoặc cuộc sống tốt hơn.

Người phát ngôn IOM Joel Millman cho biết người tị nạn Rohingya chiếm phần lớn trong số 2.200 trường hợp thiệt mạng ở Đông Nam Á và phần lớn 288 ca tử vong do di cư được ghi nhận ở Nam Á kể từ năm 2014, là người di cư Afghanistan. Theo ông Millman, bất chấp xung đột ở Yemen, người di cư vẫn tiếp tục tìm cách từ khu vực Sừng châu Phi vượt qua Biển Đỏ và Vịnh Aden. Số người thiệt mạng ở ngoài khơi Yemen tăng từ 53 trường hợp năm 2017 lên ít nhất 125 người năm 2018. Giai đoạn 2014 - 2018 cũng ghi nhận số người di cư thiệt mạng ở biên giới Mỹ - Mexico ngày một tăng, với 1.907 trường hợp.

Trước đó, IOM và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã công bố báo cáo cho thấy từ năm 2014 đến 2018, gần 1.600 trẻ em, tương đương 1 trẻ em/ngày, đã thiệt mạng hoặc mất tích trong quá trình di cư. Các nhà nghiên cứu cho biết mức độ thật sự của thảm kịch này còn nghiêm trọng hơn vì nhiều trường hợp trẻ em di cư tử vong không được ghi nhận.

Đình Lượng (TTXVN)
Vấn đề người di cư: Các nước nghèo đang hứng chịu gánh nặng người tị nạn
Vấn đề người di cư: Các nước nghèo đang hứng chịu gánh nặng người tị nạn

Ngày 19/6, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết các nước đang phát triển, chứ không phải là các nước phương Tây giàu có, đang gánh vác cuộc khủng hoảng người di cư trên thế giới khi đang tiếp nhận phần lớn trong số 70,8 triệu người phải đi tha hương tính đến cuối năm 2018 do chiến tranh và bị ngược đãi ở quê nhà. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN