Tuy nhiên, năm 2020, Sackett đã phải chi 125.000 USD để mua chiếc tủ lạnh to hơn. Mặc dù vận hành thiết bị này khá tốn kém nhưng ít nhất khoai tây của Sackett sẽ không hỏng. Khoai tây mới thu hoạch của Sackett thường cần bảo quản ở 15,5 độ C hoặc thấp hơn để có thể lưu trữ trong nhiều tháng.
Khoảng 25% khoai tây tại Mỹ có nguồn gốc từ bang Michigan - nơi khí hậu mát mẻ trong mùa thu hoạch tháng 9 và cuối xuân, lý tưởng cho việc lưu trữ. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Michigan ghi nhận 3 năm có nhiệt độ trung bình trong tháng 9 và tháng 10 trên mức bình thường. Vào thập niên 2000, Michigan ghi nhận 6 năm như vậy và trong giai đoạn 2010-2020 có tới 8 năm tương tự.
Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), câu chuyện của Sackett tại Michigan là ví dụ điển hình cho thấy tác động của biến đổi khí hậu với nông nghiệp toàn cầu. Sau khi thu hoạch, nông sản thường không được tiêu thụ ngay lập tức mà sẽ được chuyển đến kho lưu trữ. Tùy thuộc đặc điểm riêng, đôi khi có một số loại nông sản được lưu trữ trong nhiều tháng trời. Nhiệt độ Trái Đất tăng đang khiến việc lưu trữ nông sản ngày càng khó khăn và tốn kém.
Các nhà khoa học tại Đại học Auburn (Mỹ) đánh giá thời gian bảo quản không cần trữ lạnh với một số nông sản tại nước này cũng đang giảm dần so với trước đây. Ví dụ như táo tại Tây Bắc và Đông Bắc nước Mỹ, lạc ở khu vực Đông Nam, cà chua từ thung lũng Ohio…
Công ty kỹ thuật nông nghiệp Techmark tại Michigan cho biết các khách hàng là nông dân trồng hành, cà rốt, củ cải đường… mua tủ lạnh đang ngày càng tăng. Nông dân phải đối mặt với lựa chọn khó khăn về kinh tế khi vận hành thiết bị bảo quản nông sản này. Các nhà sản xuất thiết bị điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm dự báo giá bán những sản phẩm này sẽ tăng ở thời điểm nhiệt độ ngày càng tăng.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), khoảng 20% rau quả trên toàn cầu bị hỏng trong quá trình từ thu hoạch đến bán lẻ. Rác thực phẩm là nguồn đặc biệt phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ngoài ra, tại vùng châu Phi Hạ Sahara, nông dân thường mất 1/3 nông sản tích trữ do côn trùng và nấm mốc. Bà Tanya Strathers tại Đại học Greenwich (Anh) bổ sung rằng nhiệt độ tăng còn tạo điều kiện để sâu bệnh tồn tại qua mùa đông.
Nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng ảnh hưởng từ tình trạng ấm lên toàn cầu đã “tấn công Trái Đất” mạnh hơn những gì được dự đoán. Họ đề cập đến thực tế rằng việc sử dụng than đá, dầu mỏ và khí đốt chưa giảm mặc dù đây là những tác nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.
Năm 2020 này, nhóm các nhà hoa học thuộc tổ chức Climate Action Tracker dự đoán mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 2,9 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con số này vượt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Nhưng Climate Action Tracker cũng nhấn mạnh nếu 127 quốc gia thực hiện được cam kết mục tiêu trung hòa khí carbon thì mức tăng nhiệt sẽ là 2,1 độ C. Hơn 100 quốc gia đã cam kết đến giữa thế kỷ này đạt mục tiêu trung hòa khí carbon.