Tổng thống Ukraine đưa nhóm chỉ huy pháo đài Azovstal từ Thổ Nhĩ Kỳ cùng về nước

Nhóm 5 cựu chỉ huy lực lượng Ukraine cố thủ tại pháo đài thép Azovstal đã cùng Tổng thống Zelensky từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước bất chấp sự phản đối từ Nga.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói chuyện với các cựu chỉ huy của nhóm kháng cự tại Nhà máy thép Azovstal trên một chiếc máy bay khi họ trở về Ukraine từ Istanbul ngày 8/7/2023. Ảnh: Reuters

Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 8/7 đã đưa 5 cựu chỉ huy của Ukraine ở pháo đài thất thủ Azovstal (Mariupol) từ Thổ Nhĩ Kỳ về nước. Đây là một thành tích mang tính biểu tượng của Kiev, trước sự phản đối của Nga cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm thỏa thuận trao đổi tù nhân được thiết kế vào năm ngoái.

Theo hãng tin Reuters, Nga đã ngay lập tức chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ thả người. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, theo thỏa thuận trao đổi, Ankara đã cam kết sẽ giữ chân nhóm cựu chỉ huy nói trên ở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Moskva cũng phàn nàn rằng họ đã không được thông báo về quyết định nói trên.

Năm chỉ huy Ukraine được đất nước ca ngợi sau khi lãnh đạo cuộc phòng thủ khốc liệt kéo dài ba tháng tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, thành phố lớn nhất của Ukraine mà Nga đã giành quyền kiểm soát.

Sau cuộc gặp hội đàm với Tổng thống Tayyip Erdogan ở Istanbul ngày 7/7, Tổng thống Zelensky cho biết: “Chúng tôi đang từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về nhà và đưa những người hùng của chúng tôi về nhà”.

Hàng nghìn người đã thiệt mạng ở Mariupol khi chiến sự kéo dài khốc liệt giữa lực lượng Nga và Ukraine trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột. Lực lượng phòng thủ Ukraine khi đó đã cầm cự trong các đường hầm và boongke ngầm dưới nhà máy thép Azovstal, cho đến khi Kiev ra lệnh cho họ đầu hàng vào tháng 5 năm ngoái.

Moskva đã trả tự do cho một số người trong nhóm cố thủ ở Azovstal vào tháng 9/2022 trong một cuộc trao đổi tù nhân do Ankara làm trung gian, trong đó có điều khoản yêu cầu các chỉ huy Azovstal phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi xung đột kết thúc.

Chú thích ảnh
Tổng thống Zelensky ôm một trong các cựu chỉ huy ở Mariupol vào ngày 8/7/2023. Ảnh: Reuters

Phản ứng trước việc nhóm chỉ huy Azovstal được trả tự do, Người phát ngôn Điên Kremlin Peskov nói với hãng thông tấn RIA của Nga: "Không ai thông báo cho chúng tôi về điều này. Theo thỏa thuận, những chỉ huy này sẽ ở lại trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi xung đột kết thúc."

Ông Peskov cho biết vụ phóng thích này là kết quả của áp lực nặng nề từ các đồng minh NATO lên Thổ Nhĩ Kỳ trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này vào tuần tới, mà tại đó Ukraine hy vọng sẽ nhận được dấu hiệu tích cực về tư cách thành viên trong tương lai.

Về phần mình, trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Zelensky không đưa ra lời giải thích tại sao các chỉ huy Azovstal được phép trở về nhà ngay lúc này. Tổng cục Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng không trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters.

Chú thích ảnh
Tổng thống Zelensky, Chánh văn phòng Tổng thống Andrew Yermak và Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko chụp ảnh cùng các cựu chỉ huy ở Azovstal khi họ trở về Ukraine từ Istanbul ngày 8/7/2023. Ảnh: Reuters 

Trong một buổi lễ sau đó cùng với nhóm cựu chỉ huy Azovstal ở thành phố Lviv, ông Zelensky đã cảm ơn Tổng thống Erdogan vì đã giúp đảm bảo việc trả tự do cho họ, đồng thời cam kết đưa tất cả các tù nhân còn lại về nhà.

Đề cập đến cuộc phản công do lực lượng Ukraine phát động trong tháng qua, Denys Prokopenko, một trong năm chỉ huy Azovstal, phát biểu tại cuộc họp rằng người của ông "sẽ có tiếng nói trong các trận chiến. Điều quan trọng nhất là Ukraine đã nắm giữ thế chủ động chiến lược và đang tiến lên."

Cũng trong ngày 8/7, nhân ngày thứ 500 của cuộc xung đột, Tổng thống Zelensky đã đến thăm Đảo Rắn, một mỏm đá ở Biển Đen mà các lực lượng Nga đã chiếm giữ vào ngày bắt đầu xung đột và sau đó nơi này bị bỏ hoang.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đánh dấu 500 ngày cuộc xung đột bằng cam kết sẽ ủng hộ Kiev "cho đến chừng nào còn có thể".

Cam kết hỗ trợ mới nhất của Mỹ bao gồm các kế hoạch cung cấp bom, đạn chùm gây tranh cãi. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói rằng loại vũ khí này sẽ không được sử dụng nhằm vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên kế hoạch của Mỹ đã vấp phải sự phản đối từ chính các đồng minh, trong đó có Canada, Anh và Tây Ban Nha.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Anh và Tây Ban Nha phản đối cung cấp bom chùm cho Ukraine
Anh và Tây Ban Nha phản đối cung cấp bom chùm cho Ukraine

Hai nước trên không tán thành quyết định của Mỹ cung cấp cho Ukraine bom chùm để giúp phá vỡ các tuyến phòng thủ của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN