Các quan chức quốc phòng tiết lộ với CNN rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xem xét mạnh mẽ việc phê duyệt chuyển giao vũ khí gây tranh cãi cho Ukraine, trong bối cảnh lực lượng của Kiev đang khó khăn để đạt được những bước tiến lớn trong cuộc phản công.
Bom chùm là gì?
Bom chùm là những hộp chứa hàng chục đến hàng trăm quả bom nhỏ. Các hộp có thể được thả từ máy bay, phóng từ tên lửa hoặc bắn từ pháo, hải pháo hoặc bệ phóng tên lửa.
Các hộp bom sẽ bung ra ở độ cao nhất định, tùy thuộc vào khu vực của mục tiêu và các quả bom nhỏ bên trong sẽ lan ra khu vực đó. Chúng có chung một bộ đếm thời gian để phát nổ gần hoặc trên mặt đất, phát tán các mảnh đạn được thiết kế để tiêu diệt binh sĩ đối phương hoặc các phương tiện bọc thép như xe tăng.
Loại bom chùm nào Mỹ được cho là sẽ cung cấp cho Ukraine?
Mỹ có một kho dự trữ bom, đạn chùm được gọi là DPICM, hoặc các loại đạn thông thường được cải tiến với mục đích kép mà họ không còn sử dụng sau năm 2016.
Theo một bài báo trên trang web eArmor của Quân đội Mỹ, các DPICM mà Washington sẽ cung cấp cho Kiev được bắn từ pháo 155mm, với mỗi hộp mang 88 quả bom nhỏ. Mỗi quả bom nhỏ có phạm vi sát thương khoảng 10 m2, do đó, một hộp bom có thể bao phủ một khu vực rộng tới 30.000 m2, tùy thuộc vào độ cao mà nó bung bom con.
Các quả bom con trong DPICM có ngòi nổ hình nón, khi tấn công xe tăng hoặc xe bọc thép sẽ “tạo ra một phản lực xuyên thủng lớp giáp kim loại” - bài báo viết, đồng thời cho biết thêm rằng có thể cần 10 quả bom nhỏ trở lên để phá hủy một phương tiện bọc thép, nhưng có thể chỉ mất một lần để vô hiệu hóa vũ khí của xe bọc thép hoặc khiến nó bất động.
Bom chùm đã từng được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine chưa?
Hình ảnh về bom chùm được sử dụng ở Ukraine đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Các quan chức Ukraine đã kêu gọi Mỹ cung cấp bom, đạn chùm kể từ năm ngoái, lập luận rằng chúng sẽ bổ sung đạn dược cho các hệ thống pháo và tên lửa do phương Tây cung cấp, đồng thời giúp thu hẹp ưu thế của pháo binh Nga.
Tại sao bom chùm gây nhiều tranh cãi hơn các loại bom khác?
Khi các quả bom nhỏ rơi xuống một khu vực rộng lớn, chúng có thể gây nguy hiểm cho những người không tham chiến.
Ngoài ra, khoảng 10% - 40% quả đạn trong bom chùm không phát nổ, theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế. Những quả bom chưa nổ sau đó có thể bị kích nổ bởi hoạt động dân sự diễn ra sau đó nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ.
Liên minh Bom, đạn chùm (CMC) - một nhóm hoạt động đang nỗ lực vận động để cấm loại vũ khí này ở khắp mọi nơi, cho biết các loại bom, đạn chùm có khả năng gây chết người vẫn nằm im lìm ở Lào và Việt Nam sau 50 năm kể từ khi được thả xuống.
Trong một tuyên bố vào ngày 7/7, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết bom chùm đã khiến thường dân ở Ukraine thiệt mạng trong cuộc xung đột hiện nay.
“Đạn dược chùm vẫn là một trong những vũ khí nguy hiểm nhất thế giới. Chúng giết người và gây tàn tật bừa bãi, gây ra đau khổ tràn lan cho con người", ông Gilles Carbonnier, Phó chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, cho biết tại một hội nghị về bom, đạn ở Thụy Sĩ năm 2022.
“Bất kỳ việc sử dụng bom, đạn chùm nào, ở bất cứ đâu, bởi bất kỳ ai, đều phải bị lên án", ông Carbonnier nói.
Phần lớn thế giới đã cấm sử dụng các loại vũ khí này thông qua Công ước về Bom, đạn chùm (CCM). Công ước này cũng cấm việc tàng trữ, sản xuất và chuyển giao chúng.
Mặc dù 123 quốc gia đã tham gia Công ước CCM, nhưng Mỹ, Ukraine, Nga và 71 quốc gia khác hiện không tham gia.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, việc sử dụng đạn dược để tấn công binh lính hoặc phương tiện của kẻ thù không phải là bất hợp pháp theo luật quốc tế, nhưng tấn công thường dân bằng vũ khí có thể bị coi là tội ác chiến tranh.
Bom chùm từng được sử dụng ở đâu trước đây?
Theo Liên minh CMC, bom, đạn chùm đã được sử dụng từ Thế chiến II và trong hơn 30 cuộc xung đột kể từ đó.
Liên minh cho biết lần gần đây nhất Mỹ sử dụng bom chùm là ở Iraq là từ năm 2003 đến năm 2006.
Các lực lượng Mỹ bắt đầu loại bỏ loại đạn dược này vào năm 2016 vì mối nguy hiểm mà chúng gây ra cho dân thường, theo một tuyên bố năm 2017 từ Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ.