Đài Sputnik dẫn bài viết gửi hãng tin Reuters trích dẫn hai nguồn thạo tin cho biết quyết định ban hành lệnh trừng phạt sẽ dựa trên những kết quả tình báo Mỹ điều tra được.
Một quan chức giấu tên tiết lộ cho Reuters rằng mục tiêu bị trừng phạt có thể bao gồm những cá nhân hoặc toàn bộ công ty bị buộc tội can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ thông qua phương thức tấn công mạng hoặc các phương tiện khác.
Vị quan chức này giải thích: "Chính quyền mong muốn thiết lập một chuẩn mực mới trong không gian mạng. Đây là bước đầu tiên trong việc phân rõ ranh giới và công khai phản ứng của chúng tôi trước những hành vi xấu."
Theo văn bản được cho là sắp được ký, bất kỳ cơ quan tình báo nào - bao gồm Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia và Bộ An ninh Nội địa - nếu phát hiện thông tin về hành vi can thiệp bầu cử phải có nghĩa vụ chuyển thông tin đó cho Giám đốc Tình báo Quốc gia.
Các thông tin đó sẽ được phân loại và xác định tội danh “âm mưu tấn công trực tiếp vào cơ sở hạ tầng” bầu cử của Mỹ cũng như âm mưu "gây ảnh hưởng đến công chúng thông qua tuyên truyền kỹ thuật số" hoặc "rò rỉ hệ thống thông tin chính trị riêng tư."
Trước đó, theo một bài viết trên báo Washington Post của Mỹ ngày 9/8, Nhà Trắng tiến hành soạn thảo một sắc lệnh hành pháp cho phép Tổng thống Donald Trump trừng phạt công dân nước ngoài can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ. Dự thảo sắc lệnh dài 8 trang, trong đó có một dự luật đã được trình Quốc hội Mỹ. Theo báo trên, dự thảo có nội dung nêu rõ Tổng thống có thể áp đặt trừng phạt đối với 10 trong số 30 thực thể kinh doanh lớn nhất ở một quốc gia bị kết luận là can thiệp bầu cử Mỹ.
Thông tin về sắc lệnh mới được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan thực thi pháp luật, quân đội và tình báo Mỹ tăng cường bảo vệ các cuộc bầu cử sắp tới trước các cuộc tấn công từ nước ngoài, cũng như ngày càng có nhiều chỉ trích nhằm vào Tổng thống Trump vì đã không ký phê chuẩn kết luận điều tra của cơ quan mật vụ Mỹ cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016. Moskva luôn phủ nhận cáo buộc này.