Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Mỹ, phát biểu tại một sự kiện ở bang Montana, Tổng thống Trump nêu rõ: "Chúng ta sẽ có một thoả thuận công bằng hơn với Canada, giống như chúng ta đã làm với Mexico". Ông Trump khẳng định chính quyền của ông cần mang đến cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ một môi trường bình đẳng. Ngoài ra, Tổng thống Trump cho biết có thể tiến đến một thỏa thuận NAFTA không có Canada, dù ông cũng cần một chiến thắng thương mại trước cuộc bầu cử vào giữa tháng 11 tới.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Canada đang không ngừng diễn ra và đạt nhiều tiến triển tốt.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Freeland nêu rõ NAFTA là một thỏa thuận lớn và phức tạp, vì vậy giới chức hai nước đang nỗ lực giải quyết một loạt vấn đề. Bà Freeland cho biết bà sẽ trở lại bàn đàm phán NAFTA ở Washington để hướng tới một sự thỏa hiệp, đồng thời bày tỏ tin tưởng "một thỏa thuận tốt cho Canada, Mỹ và Mexico là có thể".
Trước đó, ngày 5/9, Canada và Mỹ đã quay trở lại bàn đàm phán NAFTA sau 4 ngày gián đoạn. Hôm 31/8, đàm phán thương mại giữa Mỹ và Canada nhằm sửa đổi NAFTA đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Trước đó, hôm 27/8, Mỹ và Mexico đã đạt một thỏa thuận đột phá về NAFTA và đổi tên thành Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico, khiến Canada bị đẩy vào thế cô lập.
Nếu cả Canada, Mỹ và Mexico vẫn mong muốn ký kết NAFTA trước thời điểm chuyển giao quyền lực của chính phủ mới tại Mexico vào ngày 1/12 tới, các bên phải hoàn tất văn bản đàm phán trước hạn chót là ngày 30/9.
Theo một số chuyên gia phân tích, nền kinh tế Canada sẽ bị tổn thương khá mạnh nếu Mỹ thay đổi chính sách thương mại. Hiện khoảng 20% thu nhập quốc gia của Canada đến từ việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ sang thị trường Mỹ, và “xứ cờ hoa” là điểm đến của gần 76% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Canada. Trong khi đó, nếu so với Canada hay Mexico, nền kinh tế Mỹ ít phụ thuộc trực tiếp hơn vào hoạt động ngoại thương.