Tổng thống Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp chống khủng bố

Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế gạt bỏ "tính tự tôn địa chính trị" để phối hợp đấu tranh chống khủng bố.


Tổng thống các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan,Tajikistan, Nga và Kyrgyzstan tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Ảnh: Reuters/TTXVN


Ông Putin cũng kêu gọi cộng đồng gạt bỏ việc áp dụng cái gọi là tiêu chuẩn kép cũng như từ bỏ chính sách lợi dụng trực tiếp hay gián tiếp các nhóm khủng bố riêng lẻ nhằm đạt được mục đích cá nhân. Ông Putin đưa ra tuyên bố trên tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) diễn ra ngày 15/9 tại Tajikistan, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên tổ chức này.

Nhà lãnh đạo nước Nga cho rằng tình hình tại Syria, Iraq nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung rất nghiêm trọng khi tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang kiểm soát một phần lãnh thổ lớn tại khu vực bất ổn này. Tổng thống Putin cho biết IS đã tác động tư tưởng và huấn luyện chiến đấu cho các đối tượng của nhiều nước bao gồm cả Nga và các nước châu Âu, từng tuyên bố kế hoạch mở rộng hoạt động sang Nga và châu Âu, Trung và Đông-Nam châu Á. Ông Putin quan ngại rằng các phần tử cực đoan đó sẽ trở về nước tiến hành tấn công khủng bố. Do đó, để chống lại mối đe dọa này, theo Tổng thống Nga, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực chung.

Tổng thống Nga tuyên bố Moskva đang và sẽ hỗ trợ kỹ thuật-quân sự cần thiết cho Chính phủ Syria trong việc đấu tranh chống khủng bố, cụ thể là chống lực lượng IS. Ông Putin kêu gọi các nước khác phối hợp với Nga trong vấn đề này, nhấn mạnh nếu không có sự tham gia tích cực của chính quyền và quân đội Syria thì sẽ không thể đánh bật các phần tử khủng bố ra khỏi quốc gia này nói riêng, cũng như cả khu vực nói chung.

Ông Putin cũng bày tỏ lo ngại tình trạng bạo lực từ Afghanistan sẽ lan sang khu vực Trung Á, đồng thời khẳng định Nga sẽ giúp Tajikistan đảm bảo an ninh sau khi xảy ra các cuộc đọ súng gần đây làm hơn 20 người thiệt mạng, gây quan ngại về tình trạng bất ổn liên quan đến tôn giáo ở quốc gia thuộc Liên Xô cũ này.

Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể gồm 6 nước là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Mục đích chính của tổ chức này là tăng cường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như quốc tế, và bảo vệ tự do, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của các nước thành viên. Kết thúc phiên họp của Hội đồng an ninh tập thể ngày 15/9, chức chủ tịch luân phiên CSTO sẽ được trao cho Armenia.

TTXVN/Tin Tức
Cần một chiến lược toàn diện chống khủng bố
Cần một chiến lược toàn diện chống khủng bố

Washington coi việc tiêu diệt các thủ lĩnh thánh chiến là chiến thuật chủ chốt trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan, tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng nếu chỉ có các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thì không đủ để có được sự hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN