Phát biểu trực truyến được truyền từ thủ đô Moskva, Tổng thống Putin đề xuất hoãn thực thi các biện pháp trừng phạt liên quan tới hàng hóa thiết yếu, đồng thời tạo một quỹ đặc biệt dưới sự kiểm soát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm hỗ trợ ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trong khi đó, IMF cho biết thể chế này đã yêu cầu các lãnh đạo của G20 tăng cường khả năng tài chính khẩn cấp nhằm đẩy mạnh khả năng đối phó với sự lây lan của dịch bệnh.
Phát biểu trước các lãnh đạo G20, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết mức độ giảm tốc kinh tế và tốc độ phục hồi kinh tế phụ thuộc vào việc ngăn chặn đại dịch và "cách thức phối hợp các hành động chính sách tài khóa và tiền tệ của chúng ta mạnh mẽ như thế nào". Bà nhấn mạnh vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là hỗ trợ các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, vốn chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19.
Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về dịch bệnh COVID-19 đã ra tuyên bố khẳng định G20 sẽ nỗ lực hết mình để vượt qua đại dịch này. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh trên toàn cầu đã có hơn 492.000 người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 22.000 người tử vong do COVID-19.
Cùng ngày, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) hối thúc các nền kinh tế G20 khẩn trương hành động để ngăn chặn thiệt hại không thể cứu vãn đối với ngành hàng không đang lao đao vì dịch bệnh.
Trong thư ngỏ, IATA đề nghị các chính phủ cung cấp hoặc tạo điều kiện hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không. Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac nêu rõ: "Sự lây lan của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu và việc các chính phủ buộc phải đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại đã dẫn tới sự sụt giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không".
Trước đó, ngày 24/3, IATA cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến sự sụp đổ của ngành hàng không nếu không có sự hỗ trợ khẩn cấp của các chính phủ, đồng thời dự báo các hãng hàng không có thể thiệt hại hơn 250 tỷ USD doanh thu riêng trong năm nay. Ngoài ra, hơn 2,7 triệu việc làm trong lĩnh vực hàng không đang đứng trước nguy cơ biến mất, cao hơn gấp 24 lần so với lĩnh vực du lịch và lữ hành.
Công ty dữ liệu hàng không OAG cho biết trong tuần này, số lượng các chuyến bay trong châu Âu đã giảm 60%, tương đương với khoảng 92.000 dịch vụ bị cắt giảm, so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, số lượng các chuyến bay tại Trung Đông cũng giảm 45% và mức giảm tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 30% trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trên toàn cầu khiến nhu cầu dịch vụ hàng không giảm mạnh và buộc nhiều hãng phải ngừng khai thác nhiều máy bay. Theo số liệu của công ty nghiên cứu dịch vụ hàng không Cirium, chỉ riêng trong hai ngày 22 và 23/3, khoảng 1.800 máy bay phải ngừng hoạt động trên toàn cầu.