Tổng thống Mỹ: Trên 200.000 ca tử vong do COVID-19 là 'điều hổ thẹn'

Ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng con số trên 200.000 người tử vong tại Mỹ do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là "điều hổ thẹn", khẳng định mọi thứ đáng ra còn tồi tệ hơn.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà xác tại bệnh viện ở Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump nói: "Tôi nghĩ đây là một điều đáng xấu hổ. Nếu chúng ta không nỗ lực đúng cách và đúng hướng, con số người chết có thể lên tới 2,5 triệu người". 

Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Mỹ đã vượt qua con số 200.000 người, chiếm hơn 1/5 số ca tử vong trên thế giới và vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, cả về số ca nhiễm và số ca tử vong.

Tại cuộc họp báo do CNN tổ chức, Giám đốc Viện các bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm quốc gia Mỹ, ông Anthony Fauci nói rằng: "Chỉ tưởng tượng về 200.000 người chết, thực sự thấy rất khủng khiếp và ở một khía cạnh nào đó, thật choáng váng".

* Trong khi đó, tại Anh, Bộ Tài chính nước này cho biết Anh chưa có ý định kéo dài "lịch nghỉ phép" chống dịch dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 10.

Trước đó, Anh đã thông báo các biện pháp hạn chế mới liên quan đến giờ mở cửa của các quán rượu và nhà hàng. Theo đó, từ ngày 24/9, tất cả nhà hàng, khách sạn, quán rượu chỉ được phục vụ khách dùng bữa tại bàn. Tất cả các nơi tổ chức sự kiện tiếp tân, hội họp chỉ được mở cửa đến 22h.

Liên quan đến câu hỏi các biện pháp mới có phải là một phần của kế hoạch sống chung với virus SARS-CoV-2 thay vì tìm cách loại bỏ virus này, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định London không áp dụng cách tiếp cận của Thụy Điển về COVID-19.

Phát biểu với đài BBC, khi được hỏi liệu Anh đang thực hiện cách tiếp cận giống với Thụy Điển hay không, Ngoại trưởng Raab nói: "Tôi không chấp nhận cách diễn giải đó". Anh ngày 22/9 đã công bố các biện pháp mới nhằm tìm cách kiểm soát sự lây lan nhanh chóng của SARS-CoV-2, song những hạn chế đó đã bị một số nhà khoa học cho là chưa đủ mạnh.

Trước đó, trong năm, Thụy Điển đã tránh thực hiện phong tỏa và thay vào đó nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân, thực hiện giãn cách xã hội và vệ sinh tốt để kiềm chế dịch bệnh COVID-19 lây lan.

* Tại Pháp, chính quyền nước này đang lên kế hoạch thắt chặt các biện pháp hạn chế mới chống dịch COVID-19 tại thủ đô Paris. Theo truyền thông Pháp, trong số các biện pháp đang thảo luận có lệnh cấm tập trung quá 10 người nơi công cộng trong khi các sự kiện lớn cũng chỉ giới hạn dưới 1.000 người, thay vì cho phép 5.000 người như hiện nay. Nếu được thông qua, những quy định mới sẽ được thực thi tương tự như đang áp dụng tại thành phố Lyon, Marseille, Bordeaux và Nice.

* Giống nhiều nước châu Âu khác, CH Séc cũng đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ hai. Bộ Y tế nước này cho biết số ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua là 2.394 ca, nâng tổng số ca mắc lên 53.158. Trong bối cảnh số số ca mắc mới đã tăng gấp đôi trong tháng 9, Chính phủ Séc đã phải tái áp đặt một số biện pháp hạn chế nhằm khống chế tinh hình dịch bệnh, như đeo khẩu trang bắt buộc, giờ giấc hoạt động của nhà hàng quán bar cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Phương Hoa (TTXVN)
UNCTAD: Nguy cơ về 'thập kỷ mất mát' và 'bất bình đẳng sâu sắc' do COVID-19
UNCTAD: Nguy cơ về 'thập kỷ mất mát' và 'bất bình đẳng sâu sắc' do COVID-19

Ngày 22/9, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cảnh báo thế giới đang đứng trước nguy cơ chứng kiến "một thập kỷ mất mát” và “bất bình đẳng sâu sắc” do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nếu sau cùng các quốc gia lựa chọn những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" làm tư duy chính sách chủ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN