Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật nâng trần nợ công lên mức 31.400 tỷ USD, trong đó bao gồm khoản vay của chính phủ liên bang đến năm 2023.
Trong một tuyên bố, bà Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB) bày tỏ sự vui mừng khi Quốc hội Mỹ đã nhất trí nâng trần nợ công thay vì đẩy đất nước đến rủi ro. Điều này có nghĩa vài năm nữa, nước Mỹ mới lại phải nâng trần nợ công. Bà MacGuineas cho rằng trước khi điều này xảy ra, các nghị sĩ cần tập trung vạch ra kế hoạch bắt đầu xử lý vấn đề nợ. Hai đảng cần chịu trách nhiệm đối với vấn đề nợ công lên gần mức cao kỷ lục và phải hợp tác để giải quyết vấn đề này.
Mức trần nợ công là giới hạn vay của Chính phủ Mỹ để thực hiện các nghĩa vụ công, bao gồm an sinh xã hội, phúc lợi y tế, trả nợ và lãi suất cùng các khoản thanh toán khác. Ngày 14/10 vừa qua, Tổng thống Biden đã ký ban hành luật tạm thời nâng mức trần nợ công lên 28.900 tỷ USD, qua đó phần nào giảm áp lực vỡ nợ liên bang. Trong nhiều tháng qua, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại cả hai viện Quốc hội đã gây khó khăn cho đảng Dân chủ về việc nâng mức trần nợ công, cũng như bác bỏ kế hoạch tăng chi tiêu và chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Biden.
Hồi đầu tháng, Trung tâm Chính sách lưỡng đảng - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, D.C., ước tính chính phủ liên bang sẽ không thể chi trả đúng hạn các khoản vay từ ngày 21/12 nếu Quốc hội không tăng mức trần nợ công. Việc này có thể tác động ngay lập tức đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế và sự xuất hiện biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 làm gia tăng sự không chắc chắn.