Theo thỏa hiệp được đề xuất vào ngày 7/12, đảng Cộng hòa về cơ bản có thể đứng ngoài cuộc. Họ có thể hỗ trợ đảng Dân chủ xây dựng luật mới, nhưng không ủng hộ phiếu nào cho việc tăng trần nợ.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ sẽ chịu trách nhiệm xác định con số chính xác cho hạn mức vay mới – nhiều khả năng lên tới 30.000 tỷ USD. Cả hai viện sẽ phải thông qua quy trình mới trước tiên. Sau đó, Thượng viện rồi tới Hạ viện sẽ thông qua việc nâng trần nợ thông qua đa số phiếu tối thiểu ủng hộ.
Dự kiến, Quốc hội Mỹ sẽ thông qua dư luật này trước ngày 15/12 - thời hạn mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho rằng Chính phủ Mỹ sẽ không thể hoàn thành các nghĩa vụ trả nợ. Thời hạn này sớm hơn so với cảnh báo của Trung tâm Chính sách lưỡng đảng đưa ra hồi đầu tuần. Trung tâm này cho rằng Washington không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 21/12/2021 – 28/1/2022.
Nước Mỹ thường lâm vào cảnh bội chi, do vậy nước này vay tiền thông qua phát hành trái phiếu chính phủ - một trong kênh đầu tư đáng tin cậy nhất thế giới.
Khoảng 80 năm trước, các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra giới hạn về mức tích lũy số tiền nợ của Chính phủ liên bang. Mức trần này đã được nâng lên hàng chục lần để cho phép chính phủ đáp ứng các cam kết chi tiêu và hiện đã lên tới gần 29.000 tỷ USD.
Lần gần đây nhất, ngày 14/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật tạm thời nâng mức trần nợ công lên 28.900 tỷ USD, qua đó phần nào giảm áp lực vỡ nợ liên bang. Luật trên cho phép nâng giới hạn nợ công thêm 480 tỷ USD. Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đã liên tục nhấn mạnh mức trần nợ công có thể khiến Mỹ bị vỡ nợ, kéo theo một loạt hậu quả kinh tế nặng nề như khiến 6 triệu người mất việc làm, gây tổn thất khoảng 15.000 USD trong tài sản dân chúng, làm tăng chi phí các khoản thế chấp và vay nợ khác. Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại cả hai viện Quốc hội ban đầu phản đối việc nâng mức trần nợ công, cũng như bác bỏ kế hoạch tăng chi tiêu và chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Joe Biden.