Bà Yellen nhấn mạnh sau ngày 18/10 ngân sách của Bộ Tài chính Mỹ "sẽ nhanh chóng cạn kiệt" và chưa chắc bộ này có thể trang trải các khoản kinh phí sau thời điểm đó. Điều này đồng nghĩa Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Bà Yellen nêu rõ nếu không nâng mức trần nợ công, chính phủ sẽ không thể trả lương cho công chức, người nghỉ hưu hoặc thanh toán các khoản nợ của chính phủ đến hạn. Điều này sẽ dẫn đến một loạt hậu quả nghiêm trọng đối với hoạt động kinh doanh và lòng tin của người tiêu dùng, tăng chi phí đi vay của người nộp thuế và tác động tiêu cực đến xếp hạng tín dụng của Mỹ trong nhiều năm tới.
Ngoài ra, nếu không hành động kịp thời, thị trường tài chính có thể rơi vào tình trạng gián đoạn do những yếu tố khó đoán định tăng cao, làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư. Bà khẳng định việc nâng mức trần nợ công không làm tăng chi tiêu mà chỉ đơn giản là cho phép bộ tài chính có đủ ngân sách cấp cho các dự án đã được quốc hội thông qua.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện nước này vẫn từ chối ủng hộ việc tăng hoặc đình chỉ áp dụng mức trần nợ công,
Ngày 27/9, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ngăn chặn nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm thông qua dự luật đình chỉ áp mức trần nợ công cho đến tháng 12/2022. Tuần trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua giải pháp duy trì hoạt động của Chính phủ Mỹ cho đến ngày 3/12 tới trong khi nghị sĩ hai đảng tiếp tục tranh cãi về gói chi tiêu xã hội 10 năm. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell phản đối kế hoạch chi tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong bối cảnh tranh cãi liên quan vấn đề trần nợ công.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, mức trần nợ công đã tạm thời bị đình chỉ trong suốt 2 năm. Thời điểm đó, ông McConnell cho rằng nếu không đình chỉ áp mức trần nợ công sẽ dấn tới "thảm họa".
Trong khuôn khổ thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng, Quốc hội Mỹ đã đình chỉ áp dụng mức trần nợ công đến hết ngày 31/7 vừa qua. Mức trần nợ được khôi phục vào ngày 1/8, với khoản nợ lên tới 28.400 tỷ USD.
Để tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán liên quan vấn đề trên, Tổng thống Joe Biden đã phải hủy chuyến đi tới Chicago đã được lên kế hoạch vào ngày 19/9 với mục đích khuyến khích người dân đi tiêm chủng.
Lần gần đây nhất Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần là vào cuối tháng 1/2019. Thời điểm đó, Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động trong thời gian kỷ lục 35 ngày.