Đây được xem là quyết định gây bất ngờ khi mà Tổng thống Biden, kể từ khi nhậm chức, đã thể hiện sự mềm mỏng hơn trong vấn đề di cư so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau đó, Nhà Trắng cho biết ngày 15/5 tới, Tổng thống Biden sẽ công bố mức tiếp nhận tối đa cuối cùng người di cư trong năm tài chính này.
Theo Nhà Trắng, mục tiêu tiếp nhận 62.500 người tị nạn trong năm nay dường như khó thực thi, do vậy chính phủ sẽ tiếp tục duy trì mức tiếp nhận15.000 người tị nạn của chính quyền tiền nhiệm. Lý giải cho quyết định này, giới chức cho biết việc tiếp tục thực hiện chính sách cũ sẽ giúp Tổng thống Biden có thể "tái thiết" một chương trình di cư vốn đã sụp đổ và giải quyết những vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19.
Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết chính phủ sẽ thảo luận với quốc hội về việc tăng hạn ngạch tiếp nhận người di cư và xây dựng lại chương trình tị nạn nhằm có thể tiếp nhận lượng người di cư như đã cam kết. Việc phân bổ hạn ngạch trong số 15.000 người di cư được tiếp nhận sẽ là khoảng 7.000 người tị nạn châu Phi, 1.000 người từ các nước Đông Á, 1.500 người từ châu Âu và Trung Á. Các nước Mỹ Latinh và Caribe được phân bổ 3.000 chỉ tiêu, các nước Nam Á và Cận Đông là 1.500 người và 1.000 suất còn lại để dự phòng.
Kế hoạch tiếp nhận 60.000 người di cư trong năm nay và tăng gấp đôi trong năm tiếp theo được nhìn nhận là một phần trong cam kết rộng mở của đảng Dân chủ nhằm chấm dứt chính sách di cư khắt khe và chống người tị nạn của cựu Tổng thống Trump, vốn vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Việc chính quyền Tổng thống Biden có quan điểm cởi mở hơn trong vấn đề di cư đã dẫn tới số người di cư từ các nước Trung Mỹ gồm Guatemala, El Salvador và Honduras đổ về biên giới giữa Mỹ và Mexico tăng đột biến. Theo Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas, số người di cư ở biên giới Tây Nam đang tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Trước tình hình này, Tổng thống Biden đã kêu gọi người di cư không tới Mỹ.