Tổng thống Mỹ gặp khó trong xoay chuyển chính sách Trung Đông

Những thành tích mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden làm được tại Trung Đông cho đến giờ vẫn chưa tạo được dấu ấn. Tổng thống Biden chủ yếu vẫn tránh đối mặt với một số vấn đề phức tạp nhất của khu vực.

Chú thích ảnh
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại phòng Roosevelt ở Nhà Trắng ngày 8/7. Ảnh: AP

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden luôn tìm cách định hình lại chính sách đối ngoại của Washington ở Trung Đông, chú trọng thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Song trên thực tế, nhà lãnh đạo Mỹ đã gặp nhiều khó khăn khi muốn tách biệt cách tiếp cận của mình khỏi phương pháp cũ của người tiền nhiệm Donald Trump.

Theo hãng tin AP, trong chuyến công du tới khu vực Trung Đông tuần này, Tổng thống Biden sẽ có các cuộc gặp với Quốc vương Saudi Arabia Salman và Thái tử Mohammed bin Salman.

Trước đó, trong thời gian vận động tranh cử, ông Biden cam kết sẽ điều chỉnh lại mối quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia, một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông. Nhà lãnh đạo này cho rằng Washington sẽ nhận thêm nhiều lợi ích nếu như kết thân với Saudi Arabia thay vì tẩy chay.

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Biden sẽ là Israel. Tại đây, một lần nữa, lập trường của ông dường như sẽ dịu đi kể từ những tuyên bố cứng rắn mà ông đưa ra khi tranh cử tổng thống.

Khi còn là ứng viên, ông Biden thường xuyên lên án chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đối với các khu định cư của Israel ở Bờ Tây. Tuy nhiên, giờ đây, với tư cách là tổng thống, ông không thể gây sức ép buộc người Israel ngừng xây dựng các khu định cư cho người Do Thái cũng như không đưa ra bất kỳ sáng kiến ​​mới nào để khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình đã bị đình trệ từ lâu giữa Israel và Palestine.

Tổng thống Biden dường như còn ủng hộ quyết định năm 2019 của cựu Tổng thống Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan – điều đã đảo ngược chính sách kéo dài hơn nửa thế kỷ của Mỹ.

"Những gì mà Tổng thống Biden làm sắp tới tại Jeddah, bất kể Ngoại trưởng Mỹ hay Bộ trưởng Quốc phòng hay thậm chí một nhà đại sứ có chuyên môn đều có thể làm được. Nói tóm lại sẽ chẳng có một kết quả nào từ chuyến công du này... Chính quyền Tổng thống Biden đã có chính sách tiếp nối khá khó hiểu từ chính quyền Trump – một cách thể hiện ít phản kháng nhất trên nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm các vấn đề về Jerusalem, Tây Sahara, Cao nguyên Golan”, Natan Sachs, Giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Đông tại Viện Brookings, nhận định.

Chú thích ảnh
Dự án cờ Israel và Mỹ được vẽ trên các bức tường ở Thành Cổ Jerusalem ngày 4/7/2022. Ảnh: AP

Trong chuyên mục bình luận trên báo Washington Post số ra ngày 9/7, Tổng thống Biden tuyên bố Trung Đông đã trở nên ổn định và an toàn hơn trong gần 18 tháng ông đương chức. Nhà lãnh đạo Mỹ chỉ ra chính quyền của ông đã nỗ lực thúc đẩy một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu và phong trào Houthi tiến tới đạt được một thỏa thuận ngừng bắn sau 7 năm chiến tranh khiến 150.000 người Yemen thiệt mạng. Tổng thống Biden cũng viện dẫn vai trò của chính quyền ông trong nỗ lực sắp xếp một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 11 ngày trong cuộc chiến Israel-Gaza hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, những thành tích đó cho đến giờ vẫn chưa tạo được dấu ấn. Tổng thống Biden chủ yếu vẫn tránh đối mặt với một số vấn đề phức tạp nhất của khu vực. Ngay cả với chuyến công du Trung Đông lần này, các nhà phân tích nhận định đây cũng không phải là một chuyến đi đầy hứa hẹn đạt được những thành tựu to lớn.

Jon Alterman – Giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - cho hay Tổng thống Biden không có mối quan hệ cá nhân lâu dài với các nhà lãnh đạo Trung Đông như đối với châu Âu hay châu Á.

Triển vọng về tiến độ đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran của chính quyền Tổng thống Biden vẫn còn mơ hồ. Chính quyền đã tham gia gián tiếp vào các cuộc đàm phán tại Vienna nhằm đưa cả Washington và Tehran trở lại tuân thủ thỏa thuận song cho đến nay, các cuộc đàm phán vẫn không có kết quả.

Khi còn là một ứng viên, Tổng thống Biden khẳng định Saudi Arabia sẽ trả giá cho hồ sơ nhân quyền.Lời cảnh báo cứng rắn của nhà lãnh đạo đưa ra vào thời điểm dầu đang giao dịch ở mức khoảng 41 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu hiện đã tăng gần 105 USD và ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết các cuộc đàm phán về năng lượng sẽ là một phần chương trình nghị sự trong chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Saudi Arabia song họ đã hạ thấp triển vọng về việc quốc gia Trung Đông chấp thuận tăng sản lượng dầu hơn nữa do nước này cho biết đã gần đạt công suất sản xuất.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Sáu tháng âm thầm mở rộng thành công NATO của ông Biden
Sáu tháng âm thầm mở rộng thành công NATO của ông Biden

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang được hoàng gia Tây Ban Nha tiếp đón tại Madrid ngày 28/6 thì có tin báo kế hoạch táo bạo mà ông ấp ủ từ 6 tháng trước đã đi vào giai đoạn hoàn tất cuối cùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN