Sáu tháng âm thầm mở rộng thành công NATO của ông Biden

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang được hoàng gia Tây Ban Nha tiếp đón tại Madrid ngày 28/6 thì có tin báo kế hoạch táo bạo mà ông ấp ủ từ 6 tháng trước đã đi vào giai đoạn hoàn tất cuối cùng.

Chú thích ảnh
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Phần Lan sau khi ký bản ghi nhớ việc Ankara đồng ý Phần Lan, Thụy Điển trở thành thành viên NATO tại Madrid ngày 28/6/2022. Ảnh: CNN

Đầu tuần này, các nhà lãnh đạo của Phần Lan và Thụy Điển đã hội tụ về một phòng họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, người trong nhiều tuần qua đã đặt ra rào cản ngăn hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO. Họ đã đạt được một bước đột phá, nhưng vẫn muốn một bước kiểm tra cuối cùng để đảm bảo rằng nỗ lực của ông Biden được chấp thuận.

Rời cuộc gặp với Nhà vua Felipe VI tại Cung điện Hoàng gia Tây Ban Nha, Tổng thống Biden nhận điện thoại từ người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. Họ thông báo với ông rằng đã nhận được cái gật đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. Và ông Biden cũng đã chính thức chấp thuận mở cửa NATO với hai đồng minh Bắc Âu.

Trong sáu tháng rưỡi kể từ khi ông chủ Nhà Trắng lần đầu tiên gọi điện cho Tổng thống Niinistö đề nghị Phần Lan gia nhập NATO, tình hình an ninh ở châu Âu đã thay đổi đáng kể. Cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine đã xoá bỏ những đánh giá lâu nay về an ninh của các quốc gia dọc theo sườn phía đông của NATO. Và các quốc gia đã duy trì chính sách trung lập trong hàng thập kỷ qua bỗng quay sang xem xét lại lập trường của họ.

Những nỗ lực đưa Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO là kết quả của nhiều tháng ngoại giao kiên trì, và trong những ngày gần đây là một loạt cuộc điện đàm, nhóm họp giữa các quan chức hàng đầu.

Trước hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tuần này ở Madrid, không có mấy người trong số các quan chức cấp cao Mỹ và châu Âu tin rằng vấn đề ngăn cản hai quốc gia Scandinavia sẽ được giải quyết trước thời điểm các nhà lãnh đạo rời Madrid. Họ tin là điểm nghẽn này chỉ được khơi thông trong vài tháng nữa.

Nhưng thay vào đó, một loạt các cuộc họp kéo dài, một cuộc điện thoại “chiến lược” từ ông Biden đến ông Erdogan và dấu hiệu “bật đèn xanh” vào phút chót đã mở rộng con đường vào NATO cho các ứng cử viên Bắc Âu. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Zelensky đón 4 nhà lãnh đạo châu Âu thăm Kiev vào đầu tháng 6. Ảnh: Reuters

Cuối cùng,  Tổng thống Mỹ Joe Biden chính là người thông báo với thế giới về triển vọng cuộc gặp chính thức với ông Erdogan bên lề thượng đỉnh NATO trong tuần này sau khi ông thúc đẩy kế hoạch của mình bước sang giai đoạn “về đích”.

Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, lý do Phần Lan, Thụy Điển từ bỏ quan điểm trung lập lâu năm để gia nhập NATO đã trở nên rõ ràng. Nhưng nếu nhìn lại thời điểm tháng 12 năm ngoái, trước khi xe tăng Nga tiến vào Ukraine, viễn cảnh mở rộng NATO vẫn còn quá xa vời.

Vào ngày 13/12/2021, ông Biden đã gọi điện cho Tổng thống Phần Lan Niinisto để nêu ý tưởng. Lúc đó Nga đã điều động quân đội và thiết bị áp sát biên giới Ukraine. Và rõ ràng với Washington, tình hình an ninh ở châu Âu sắp thay đổi đáng kể.

Tới tháng 3/2022, sau khi xung đột bùng nổ, ông Biden mời người đồng cấp Niinistö đến Nhà Trắng để thảo luận. Ngồi trong Phòng Bầu dục và trao đổi chi tiết về đề nghị, hai người đàn ông đã nhấc điện thoại, cùng gọi cho Thủ tướng Andersson ở Thụy Điển, nơi trời đã sập tối, để mời thêm đất nước của bà.

Vào tháng 5, hai nước Scandinavi đã chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh NATO. Ngay ngày hôm sau, họ có mặt trong Vườn Hồng Nhà Trắng với ông Biden, cùng đánh dấu một cột mốc lịch sử.

Thủ tướng Andersson nói: “Sau 200 năm không liên kết quân sự, Thụy Điển đã chọn một con đường mới”. Bà cho biết Phần Lan cũng đã đưa ra quyết định của mình sau một quá trình "nhanh chóng nhưng rất kỹ lưỡng”.

Tuy vậy, buổi lễ ăn mừng ở Vườn Hồng đã diễn ra không trọn vẹn khi Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phản đối bổ sung 2 thành viên mới. Thành viên NATO cáo buộc Thụy Điển, Phần Lan chứa chấp các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK), mà Ankara coi là tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn hai nước Bắc Âu phải gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào nước này được áp dụng sau khi Ankara can thiệp quân sự vào miền bắc Syria vào năm 2019.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giới thiệu hai lá đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển vào ngày 18/5/2022. Ảnh: AFP 

Ba nhà lãnh đạo tiếp tục trao đổi. Nhưng trong một quyết định tỉnh táo, ông Biden đã cố gắng giữ khoảng cách và tránh đặt Mỹ kẹt vào giữa. Trong lúc đó, Mỹ vẫn tiến hành các cuộc đàm phán với các bên khác nhau. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Ngoại trưởng Antony Blinken gặp gỡ những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Phần Lan và Thụy Điển cũng duy trì các cuộc đàm phán riêng với Ankara. 

Khi hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid đến gần, các quan chức Mỹ và châu Âu ngày càng thất vọng trước thái độ phản kháng của Thổ Nhĩ Kỳ.  Họ nói rằng viễn cảnh hội nghị thượng đỉnh Madrid diễn ra như một bữa tiệc chào đón hai thành viên mới nhất của liên minh sẽ khó có thể xảy ra.

Nhưng sát ngày hội nghị khai màn, các dấu hiệu tiến triển đã xuất hiện. Vào sáng 28/6, ông Biden nhận được một đề nghị từ hai nhà lãnh đạo Niinistö và Andersson: Đã đến lúc gọi điện cho ông Erdogan.

Từ Bavaria (Đức), nơi đang diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7, ông Biden kêu gọi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hãy “nắm bắt thời điểm và hoàn thành việc này ở Madrid”. Theo một quan chức chính quyền nắm được vấn đề, ông Biden nói với đồng cấp Erdogan rằng nếu thỏa thuận có thể được ký kết trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu, nó sẽ tạo tiền đề cho một cuộc gặp song phương chính thức giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ở Tây Ban Nha.

"Thủ tục tiêu chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ là không nhượng bộ cho đến thời điểm cuối cùng có thể. Và thời điểm cuối cùng có thể xảy ra thường được xác định là gặp song phương với Tổng thống Mỹ", vị quan chức châu Âu cho biết.

Chiến lược này tỏ ra hiệu quả. Vào đầu giờ tối ngày 28/6, Tổng thống Phần Lan Niinistö, Thủ tướng Thụy Điển Andersson và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thông báo rằng Ankara đã bãi bỏ sự phản đối và đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ được xem xét. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp chính thức ông Erdogan vào ngày hôm sau, 29/6.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã "có được những gì mình muốn" trong thỏa thuận, bao gồm cả hợp tác về "dẫn độ tội phạm khủng bố”. Những bất bình lâu dài của ông Erdogan với Mỹ, bao gồm việc Washington từ chối bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ và việc ông yêu cầu Mỹ dẫn độ một giáo sĩ bị cáo buộc là có âm mưu đảo chính, vẫn chưa được giải quyết, và nhiều khả năng được đưa ra trong cuộc gặp với ông Biden.

Cho dù những bất đồng từng là gì, hai nhà lãnh đạo đã coi kết quả trên là một chiến thắng. Và hơn 4 tháng kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, NATO đã sẵn sàng chào đón hai thành viên mới.
“Xin chúc mừng Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký bản ghi nhớ ba bên – một bước tiến quan trọng hướng tới lời mời của NATO với Phần Lan, Thụy Điển, điều này sẽ củng cố Liên minh của chúng ta và thúc đẩy an ninh tập thể của chúng ta – và là một cách tuyệt vời để bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh”, ông Biden viết trên Twitter. 

Ngày 29/6, NATO ra tuyên bố cho biết đã chính thức mời Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này. Tuyên bố đưa ra tại Thượng định NATO ở Madrid nêu rõ: "Hôm nay, chúng tôi đã quyết định mời Phần Lan và Thuỵ Điển trở thành thành viên NATO, và đồng ý ký Nghị định thư gia nhập".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
NATO công bố khái niệm chiến lược mới
NATO công bố khái niệm chiến lược mới

Ngày 29/6, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Madrid (Tây Ban Nha) đã ra tuyên bố chung nêu rõ các nhà lãnh đạo của khối đã thống nhất về khái niệm chiến lược mới và nhất trí mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN