Tổng thống Biden hoàn tất chính sách mới với Triều Tiên, ngoại giao nhưng không 'mặc cả'

Tổng thống Joe Biden đã hoàn tất cách tiếp cận mới nhằm gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo thông qua con đường ngoại giao nhưng không tìm kiếm một cuộc “mặc cả” lớn với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Chú thích ảnh
Ông Joe Biden hướng ống nhòm về phía Triều Tiên khi thăm Khu Phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều vào tháng 12/2013. Ảnh: Reuters 

Theo hãng tin Reuters, Nhà Trắng ngày 30/4 (theo giờ địa phương) cho biết, chính quyền Tổng thống  Joe Biden đã xây dựng xong chính sách tiếp cận mới với Triều Tiên, nhằm gây áp lực buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo thông qua con đường ngoại giao nhưng không tìm cách “mặc cả” với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thông báo với các phóng viên có mặt trên chuyên cơ Không lực Một rằng các quan chức Mỹ đã hoàn tất một cuộc đánh giá kéo dài hàng tháng về chính sách với Triều Tiên.

Bà Psaki cho rằng, tiến trình phi hạt nhân hoá hoàn toàn Triều Tiên vẫn là một mục tiêu, nhưng lưu ý rằng bốn tổng thống Mỹ trước đây cũng không thể khiến Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, chính sách của Tổng thống Biden nhằm đạt được một điểm trung gian giữa các chính sách mà hầu hết những người tiền nhiệm của ông Biden đã theo đuổi.

Chú thích ảnh
Quân đội Triều Tiên tham gia lễ diễu binh vào ngày 14/1/2021. Ảnh: KCNA/Reuters 

Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hoà đã tổ chức ba cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong-un nhưng đều không đạt được bước đột phá nào ngoài việc tạm dừng các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và hạt nhân, vốn đã duy trì từ năm 2017.

Tổng thống Dân chủ Barack Obama cũng từ chối tiến hành những can dự ngoại giao nghiêm túc với Triều Tiên mà không có bất kỳ bước đi nào của Bình Nhưỡng để giảm căng thẳng.

Lần này, theo bà Psaki, "chính sách của chúng tôi sẽ không tập trung vào việc đạt được một cuộc ‘mặc cả’ có lợi, cũng như không dựa vào sự kiên nhẫn chiến lược". Thay vào đó, Mỹ sẽ theo đuổi một "cách tiếp cận thực tế hiệu chỉnh, cởi mở và sẽ khám phá ngoại giao với" Triều Tiên và đạt được "tiến bộ thực tế" nhằm tăng cường an ninh của Mỹ và các đồng minh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại một hội nghị của Đảng Lao động Triều Tiên, ảnh công bố ngày 9/4/2021- nguồn: KCNA 

Cho đến nay, Triều Tiên đã từ chối các yêu cầu ngoại giao từ chính quyền Tổng thống Biden. Bình Nhưỡng muốn Washington D.C và các đồng minh phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với các chương trình vũ khí của họ.

Trong khi đó, Tổng thống Biden đã gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hai tuần trước, và dự kiến sẽ đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 21/5 tại Nhà Trắng.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Mỹ đã tham khảo ý kiến của Hàn Quốc trong suốt quá trình xem xét chính sách và Washington đã thông báo trước cho Seoul về kết luận của mình.

"Hai nước sẽ thảo luận về định hướng chính sách đối với Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh cũng như cuộc gặp ngoại trưởng dự kiến vào tháng 5 và tiếp tục hợp tác để các cuộc đàm phán Mỹ - Triều được nối lại trong thời gian ngắn", bộ trên thông báo.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Hàn QuốcChung Eui-yong trước cuộc gặp ở Seoul ngày 17/3/2021. Ảnh: Reuters 

Chuyên gia Jenny Town, Giám đốc 38 North, một chương trình giám sát Triều Tiên có trụ sở tại Washington, cho rằng những nét chính trong chính sách của ông Biden cho đến nay dường như vẫn ổn.

"Nhưng các chi tiết sẽ rất quan trọng để đánh giá mức độ thành công của chính quyền với 'cách tiếp cận mới' này. Không chắc có nhiều điều để nói cho đến khi chúng ta được biết thêm”, bà Jenny Town nói.

Hiện đang có những lo ngại rằng Triều Tiên có thể quay lại thử nghiệm các thiết bị hạt nhân. Triều Tiên đã phóng hai vật thể nghi là tên lửa đạn đạo vào vùng biển gần Nhật Bản vào tháng 3 vừa qua.

Về phần mình, Nhà Trắng không cho biết liệu họ có nhượng bộ để Triều Tiên quay lại đàm phán hay không. Chính quyền Biden đồng thời đưa ra tín hiệu cứng rắn về nhân quyền, phi hạt nhân hóa và trừng phạt.

Hôm 15/4, tờ Washington Post dẫn lời một quan chức chính quyền cấp cao cho biết khả năng Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân ngay bây giờ là "gần bằng 0" và chính quyền nước này đang tìm kiếm "các biện pháp tạm thời", chẳng hạn như ngừng phổ biến vũ khí và đánh giá việc Triều Tiên phát triển các hệ thống triển khai vũ khí mới như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Mỹ không tìm kiếm xung đột với Nga-Trung Quốc, giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng 'ngoại giao'
Mỹ không tìm kiếm xung đột với Nga-Trung Quốc, giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng 'ngoại giao'

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Washington không muốn tìm kiếm xung đột và làm leo thang căng thẳng với Nga và Trung Quốc, cũng như ông bày tỏ mong muốn phối hợp cùng các đồng minh giải quyết vấn đề Triều Tiên qua kênh ngoại giao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN