Cam kết trên được đưa ra một ngày sau cuộc giải cứu thành công siêu tàu chở hàng Ever Given sau gần một tuần mắc cạn ở kênh. Phát biểu trong chuyến thị sát Ismailia, nơi đặt trụ sở của Cơ quan quản lý kênh Suez (SCA), ông al-Sisi cho biết: "Chúng tôi sẽ mua tất cả các thiết bị cần thiết cho kênh đào" để tránh các sự cố tương tự.
Giao thông qua kênh đào Suez, nơi diễn ra 10% hoạt động giao thương toàn cầu, đã được nối lại từ tối 29/3. Sáng 30/3, các trang mạng theo dõi hàng hải cho biết những tàu nặng 200.000 tấn (tương tự tàu Ever Given) đã có thể đi qua con kênh hẹp này. Tuy nhiên, nhiều tàu chở hàng cỡ lớn hơn đang phải chờ ở hai bên đầu kênh, tại Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Theo SCA, sẽ phải mất 3 ngày để những hàng dài tàu biển đang chờ đợi quanh kênh có thể di chuyển bình thường.
Công ty dữ liệu hàng hải Lloyd's List cho biết sự cố trên đã gây thiệt hại đến 9,6 tỷ USD tiền hàng hóa mỗi ngày giữa châu Á với châu Âu. Về phần mình, Ai Cập cũng thiệt hại từ 12 15 triệu USD thu nhập mỗi ngày vì tuyến đường thủy huyết mạch này phải đóng cửa. Trong khi đó, nước này đã phải chi hơn 8 tỷ USD để mở rộng kênh và tạo ra một làn đi chuyển thứ hai để giải cứu siêu tàu hàng Ever Given.
Cuộc khủng hoảng kéo dài gần một tuần qua đã buộc Ai Cập phải nghiên cứu cách tránh tái diễn tình trạng này. Giáo sư Jean-Marie Miossec, chuyên gia về vận tải biển tại Đại học Paul-Valery ở thành phố Montpellier (Pháp) gợi ý chỉ cho phép các tàu cỡ nhỏ và trung bình qua kênh vào buổi đêm, giới hạn các tàu chở dầu và tàu cỡ siêu lớn chỉ đi lại vào ban ngày.