Sau khi được giải cứu thành công, tàu Ever Given sáng ngày 30/3 neo đậu tại hồ Great Bitter – điểm nằm giữa kênh đào Suez về hai đầu bắc, nam và là nơi có chiều ngang rộng nhất trên tuyến kênh này. Các chuyên gia đã lên tàu để điều tra nguyên nhân vụ việc.
Một hoa tiêu cao cấp giấu tên cho biết nhóm chuyên gia tập trung làm rõ những hư hại mà tàu Ever Given gặp phải, cũng như nguyên nhân khiến tàu mắc cạn. Các kĩ sư cũng tiến hành kiểm tra hệ thống động cơ, để quyết định liệu tàu có thể tiếp tục hành trình tới điểm đến ở Hà Lan hay không.
Về phần mình, giới chức Ai Cập nhìn nhận vụ siêu tàu chở hàng Ever Given mắc cạn cho thấy vai trò quan trọng toàn cầu của tuyến đường giao thương qua kênh đào Suez.
Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie khẳng định, sự cố cho thấy tầm quan trọng của kênh đào Suez sau khi có ý kiến đề xuất về tuyến đường, giải pháp thay thế. “Kênh đào Suez vẫn là tuyến đường ngắn nhất và an toàn nhất, cung cấp dịch vụ tốt nhất trên thế giới”, ông Rabie phát biểu trước báo giới tối ngày 29/3 (giờ địa phương).
Chủ tịch SCA dẫn chứng, tuyến đường thay thế nối châu Á với châu Âu qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi khiến quãng đường vận chuyển của tàu thuyền tăng thêm 16.000 km, thời gian lâu hơn hai tuần so với đi qua kênh Suez.
Ông Rabie nói rằng, SCA không có lỗi trong vụ tàu Ever Given mắc cạn 6, mà là bên bị chịu tổn thất trong vụ này, với thiệt hại trung bình từ 12-15 triệu USD/ngày. Ông cũng có ý chặn nguy cơ đồn đoán, quy trách nhiệm cho hai hoa tiêu của SCA, những người có mặt trên tàu Ever Given khi mắc cạn, với đánh giá cho rằng đây là hai hoa tiêu kinh nghiệm nhất của SCA.