Sau một tuần mắc cạn, nằm chắn ngang kênh đào Suez, các đội cứu hộ đã giải cứu được tàu chở container Ever Given với chiều dài 400 mét, nặng 220.000 tấn. Nhà chức trách Ai Cập thông báo hoạt động giao thông trên tuyến đường thủy này chính thức được nối lại vào 18h ngày 29/3 (theo giờ địa phương) sau khi siêu tàu nổi lại hoàn toàn trên mặt nước và nằm song song với bờ kênh.
Trong khi đó, Ai Cập đang mất khoảng 12 - 14 triệu USD doanh thu từ kênh đào mỗi ngày, còn Lloyd's List cho biết tình trạng tắc nghẽn đang giữ lại lượng hàng hóa ước tính trị giá 9,6 tỷ USD mỗi ngày giữa châu Á và châu Âu.
Việc kênh Suez bị tắc nghẽn kéo dài sẽ gây tác động rõ rệt, đặc biệt là đối với các thị trường châu Âu, vốn phụ thuộc rất nhiều vào việc vận chuyển hàng hóa qua đây. Các chủ tàu vẫn có các lựa chọn khác để thay thế kênh Suez, nhưng rất ít lựa chọn không gây tốn kém hoặc mất thời gian. Khi tình trạng tắc nghẽn chưa được giải quyết, các hãng vận tải biển lớn đã phải chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo vọng.
Xem video tàu Ever Given được giải cứu thành công, chạy bình thường trên kênh Suez. Nguồn: Twitter
Ông Guy Platten, người phụ trách Phòng Vận chuyển đường biển Quốc tế trụ sở tại Anh, tiết lộ với báo Washington Post: “Sự cố trên cho chúng ta thấy các dây chuyền cung ứng dễ bị tổn thương như thế nào”.
Do đó, một số công ty đã bắt đầu đề xuất các giải pháp thay thế cho các tuyến đường thủy chính hiện nay.
“Chúng tôi khuyên mọi người nên liên hệ với đại diện bán hàng địa phương của mình để trao đổi và báo giá về các giải pháp thay thế, chẳng hạn như đường hàng không và đường sắt”, hãng container lớn nhất thế giới Maersk tuyên bố.
Cho đến nay, việc đóng cửa kênh đào Suez trong một tuần chỉ ảnh hưởng không đáng kể đến người tiêu dùng, nhưng lại khắc sâu sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu dưới bóng đen của đại dịch COVID-19.
Phương thức giao dịch toàn cầu hiện nay chủ yếu dựa vào phương thức vận chuyển tức thời (just-in-time), trong đó các công ty đặt hàng nguồn cung cấp khi cần thiết, đòi hỏi nhiều nghiên cứu hơn về dữ liệu người tiêu dùng.
Kênh đào Suez, được khánh thành năm 1869, là tuyến vận tải quan trọng đối với việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ. Sự cố vừa qua trên kênh đào Suez đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh tương lai của nền kinh tế toàn cầu cũng như đòi hỏi sự chuẩn bị để đối phó với những thách thức khác.
Ông Osama Rabie, người đứng đầu cơ quan quản lý kênh đào Suez, tuyên bố sự cố tàu Ever Given sẽ được xem là một bài học để ngăn chặn các vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai.