Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 591.544 ca tử vong trong tổng số 33.231.971 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 223.284 ca tử vong trong số 20.400.852 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 408.829 ca tử vong trong số 14.791.434 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 289 người tử vong. Tiếp đến là CH Séc với 275 người và Bosnia-Herzegovina với 261 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với trên 50,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với trên 929.700 ca tử vong trong trên 29,1 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 601.800 ca tử vong trong trên 33,7 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 351.300 ca tử vong trong trên 27,3 triệu ca nhiễm. Trung Đông có trên 131.800 ca tử vong, châu Phi ghi nhận trên 122.500 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 1.000 người.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 357.229 ca mắc mới và 3.449 ca tử vong do COVID-19. Như vậy, trong 13 ngày qua, quốc gia Nam Á này liên tiếp ghi nhận trên 300.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày. Hiện nhiều quốc gia đang gửi vật tư y tế tới Ấn Độ, nhằm hỗ trợ nước này giải quyết khủng hoảng.
Campuchia cũng ghi nhận 938 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua. Toàn bộ số bệnh nhân này đều liên quan “sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”, sinh sống tại các tỉnh/thành Phnom Penh, Kandal, Kampong Speu, Sihanoukville, Takeo, Svay Rieng, Kampong Cham, Tbong Khmum, Pursat, Battambang, Siem Reap và Banteay Meanchey. Như vậy, hiện Campuchia có tổng cộng 16.299 ca mắc COVID-19, trong đó 5.791 bệnh nhân đã bình phục và 107 ca tử vong.
Thái Lan ghi nhận thêm 1.763 ca bệnh mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 72.788 ca. Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 27 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì đại dịch trên lên 303 người. Hầu hết các ca mắc mới COVID-19 trong tháng 4 vừa qua tập trung ở Bangkok và 3 tỉnh lân cận là Samut Prakan, Nonthaburi, Pathum Thani. Xu hướng lây nhiễm mới ở các tỉnh khác đang giảm, nhưng ở Bangkok và các vùng phụ cận lại tăng lên.
Singapore đã quyết định kéo dài thời gian cách ly bắt buộc với người nhập cảnh từ các nước có nguy cơ cao lên 21 ngày, đồng thời thắt chặt hơn một số biện pháp giãn cách xã hội trong nước. Yêu cầu cách ly bắt buộc 21 ngày tại các cơ sở y tế sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 8/5. Du khách đến từ tất cả các nước - trừ Australia, New Zealand, Brunei và Trung Quốc (gồm cả Hong Kong, Đài Loan, Macau) - đều là đối tượng áp dụng của quy định mới này.
Đối với Fiji và Việt Nam, những du khách đã từng ở tại 2 nước này trong 21 ngày qua (nâng so với tiêu chí 14 ngày trước đây) khi nhập cảnh Singapore cũng sẽ phải cách ly 21 ngày tại các cơ sở y tế, nhưng 7 ngày cuối có thể được lựa chọn cách ly tại nhà. Trước đó, du khách đến từ Fiji và Việt Nam chỉ cách ly 14 ngày và được lựa chọn cách ly tại nhà. Ngoài ra, Singapore cũng quyết định thắt chặt hơn nữa một số biện pháp giãn cách xã hội để giảm đi lại và tương tác trong thời gian từ ngày 8/5 đến 30/5.
Philippines ngày 4/5 thông báo ghi nhận thêm 5.683 ca mắc bệnh COVID-19. Đây là ngày có số ca mắc mới ở mức thấp nhất kể từ ngày 19/3, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 1.067.892 ca. Trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận thêm 97 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi tại nước này lên 17.622 người.
Jordan đã mở lại các cửa khẩu biên giới với Saudi Arabia và Syria sau 9 tháng đóng cửa do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Jordan vẫn duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt số lượng người được qua lại mỗi ngày và người đi qua cửa khẩu phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi phải làm một xét nghiệm bổ sung khi nhập cảnh Jordan. Thông báo của Bộ Nội vụ Jordan nêu rõ mỗi ngày cho phép 200 người từ Saudi Arabia vào Jordan qua lại cửa khẩu Al-Omari và 150 người từ Syria qua cửa khẩu Jaber. Jordan đã đóng 2 cửa khẩu biên giới trên từ tháng 8/2020 sau khi có nhân viên tại các cừa khẩu này nhiễm SARS-CoV-2.
Kuwait thông báo những công dân nước này chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ không được ra nước ngoài. Quy định này có hiệu lực từ ngày 22/5, song không áp dụng đối với các nhóm không nằm trong diện tiêm vaccine, trong đó có phụ nữ mang thai và trẻ dưới 16 tuổi. Trong khi đó, lệnh cấm nhập cảnh đối với người không phải công dân Kuwait vẫn có hiệu lực. Số ca mắc mới COVID-19 tại Kuwait đã gia tăng kể từ đầu năm nay và hiện dao động ở mức 1.300 đến 1.500 ca/ngày. Đến nay, quốc gia này đã ghi nhận tổng cộng hơn 277.832 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.590 ca tử vong. Kuwait đã đình chỉ các chuyến bay từ Ấn Độ sau khi tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Á này diễn biến phức tạp.
Theo quy định mới tại Đức, một số biện pháp như hạn chế tiếp xúc, thực hiện cách ly sẽ không còn là bắt buộc đối với những người đã tiêm đủ các mũi vaccine ngừa COVID-19 và những người đã khỏi bệnh. Những người này cũng sẽ được phép đến các cửa hàng, sở thú hoặc tiệm làm tóc mà không cần xét nghiệm, song vẫn phải tuân thủ việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn về mặt vật lý.
Quy định trên không bao gồm việc mở cửa trở lại đối với các dịch vụ đang bị hạn chế, như rạp chiếu phim, quán cà phê hay các cơ sở văn hóa khác vốn đang bị đóng cửa để phòng dịch. Tính từ khi bùng phát dịch đến nay, Đức đã ghi nhận hơn 3,4 triệu ca nhiễm và 83.591 ca tử vong.
Trong khi đó, Chính phủ Ecuador thông báo sẽ cấm xuất khẩu oxy y tế nhằm bảo đảm nhu cầu trong nước, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này gia tăng mạnh trong những ngày gần đây. Nhu cầu oxy y tế tại Ecuador đã tăng 100% trong tuần vừa qua. Nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, ông Zapata cho hay COE và Cơ quan kiểm soát và giám sát y tế quốc gia (Arcsa) sẽ ban hành quy định về mức giá trần đối với mặt hàng oxy y tế. Tính đến nay, Ecuador đã ghi nhận hơn 388.000 ca mắc COVID-19, trong đó có gần 13.700 ca tử vong.
Tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19 đang gây khó khăn cho chương trình tiêm chủng 212 triệu dân của Brazil, buộc một số thành phố lớn của nước này tạm ngừng tiêm chủng mũi thứ hai cho người dân. Truyền thông Brazil đưa tin 7 trong tổng số 26 thủ phủ bang của nước này đã ngừng tiêm chủng mũi thứ hai vaccine CoronaVac của Trung Quốc do thiếu nguồn cung.
Tính đến thời điểm hiện tại, Brazil đã tiêm chủng mũi đầu tiên cho 15% dân số nước này và mũi thứ hai cho 7,5% dân số, với hai loại vaccine CoronaVac và vaccine AstraZeneca. Nước này đang tiến gần tới ký kết hợp đồng thứ hai với Pfizer và BioNTech, theo đó hai hãng này cam kết cung cấp thêm 100 triệu liều vaccine.
Dự kiến, 35 triệu liều vaccine trong hợp đồng mới này sẽ được bàn giao trong tháng 10/2021. Như vậy, tổng số vaccine Pfizer cam kết cung cấp cho Brazil sẽ là 200 triệu liều.