Chuyển đổi xanh - Kinh tế tuần hoàn:

Tổ chức Năng lượng Mỹ Latinh khuyến nghị biện pháp cho các nước trong khu vực

Tổ chức Năng lượng Mỹ Latinh (OLADE) ngày 26/1 cho rằng Mỹ Latinh và Caribe cần tăng gấp đôi sản lượng khai thác đồng và gấp 10 lần sản lượng khai thác lithium trong vòng 20 năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với 2 loại khoáng sản này trong quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Phóng viên TTXVN tại Mexico dẫn báo cáo cùng ngày của OLADE cho biết lượng khoáng sản phục vụ quá trình chuyển đổi năng lượng tại các nước Mỹ Latinh ước đạt 180 tỷ USD, chiếm 25% nhu cầu toàn cầu, trong đó sản lượng đồng đạt giá trị lớn nhất với 70 tỷ USD; tiếp đến là sắt (50 tỷ USD); vàng (30 tỷ USD) và bạc (10 tỷ USD). Trong khi đó, khu vực này cung cấp 45% lượng đồng, 29% lượng lithium, 48% lượng bạc và 38% lượng quặng trên toàn thế giới.

Xét phạm vi toàn cầu, Chile là nước sản xuất đồng lớn nhất, đứng thứ hai về quặng và thứ ba về lithium. Peru xếp thứ hai về sản xuất đồng, thiếc và kẽm và thứ ba về bạc. Trong khi đó, Mexico đứng đầu trong sản xuất bạc và Brazil ở vị trí thứ 3 thế giới về sản xuất sắt.

Theo ông Gastón Siroit, chuyên gia tư vấn công nghiệp khai thác của OLADE, các nước Mỹ Latinh có nhiều cơ hội tạo ra động lực phát triển thông qua việc tăng cường khai thác khoáng sản và là khu vực giàu tiềm năng sản xuất năng lượng sạch. Nguồn năng lượng tái tạo ở đây chiếm hơn 29% tổng nguồn cung năng lượng. 

Tuy nhiên, chuyên gia của OLADE cũng chỉ ra những thách thức trong xây dựng chính sách và chiến lược chung thúc đẩy sự phát triển của ngành khai thác mỏ ở Mỹ Latinh nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu về những kim loại đặc biệt quan trọng trong những thập niên tới. Ông cũng lưu ý các nước cần cân nhắc việc vận hành những dự án khai thác mỏ ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống người dân, tác động trực tiếp đến đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, Mỹ Latinh cần tập trung cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp khai thác mỏ, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu, đảm bảo phân chia công bằng nguồn thu từ nhượng quyền khai thác.

Phương Lan (TTXVN)
Cuộc 'săn lùng' khoáng sản chiến lược của EU
Cuộc 'săn lùng' khoáng sản chiến lược của EU

Chiến lược "giảm thiểu rủi ro" này của EU nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN