'Tình hình Xyri chưa phải nội chiến'

Ngày 13/6, Nhà Trắng đánh giá tình hình ở Xyri chưa phải là một cuộc nội chiến, song cảnh báo nguy cơ rơi vào tình trạng này khi cánh cửa cơ hội đang khép lại.

 

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Mỹ tin rằng tình hình ở Xyri đang xấu đi nhanh chóng, cánh cửa cơ hội chuyển tiếp sang tương lai dân chủ cho Xyri đang khép dần và nếu nó thực sự đóng lại thì nguy cơ một cuộc nội chiến ở Xyri sẽ gia tăng.

 

Xung đột tại Xyri ngày 11/6 làm ít nhất 106 người thiệt mạng. Trong ảnh: Khói lửa do xung đột tại Khalidiyah, khu vực lân cận thành phố Homs ngày 8/6. Ảnh AFP/ TTXVN

 

Cùng ngày, người phát ngôn Liên hợp quốc Martin Nesirky cho biết, tổ chức này không có trách nhiệm xác định bản chất cuộc xung đột ở Xyri. Theo ông, Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) sẽ quyết định liệu khủng hoảng ở Xyri đã trở thành một cuộc nội chiến hay chưa, mặc dù nhiều quan chức LHQ, trong đó có Tổng Thư ký Ban Ki-moon, đã bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực leo thang ở Xyri có nguy cơ đẩy nước này vào nội chiến.

 

Nhà Trắng và Liên hợp quốc đưa ra quan điểm trên sau khi Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình Herve Ladsous ngày 12/6 cho rằng Xyri "đang trong tình trạng nội chiến" và Chính phủ Xyri đã "mất kiểm soát ở nhiều thành phố". Bộ Ngoại giao Xyri đã ngay lập tức đã phản đối, cho rằng bình luận của ông Écvơ Laxu là "mô tả không thực tế", đồng thời khẳng định những gì đang diễn ra ở quốc gia Trung Đông này là một cuộc chiến chống các nhóm khủng bố vũ trang.

 

Mỹ và các nước phương Tây lâu nay hối thúc Tổng thống Xyri Bashar al-Assad rời bỏ quyền lực để mở đường cho một cuộc chuyển giao chính trị, đồng thời sử dụng các vụ thảm sát xảy ra mới đây ở Xyri để lên án chính phủ nước này và gây sức ép với Đamát. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc chủ trương một cách tiếp cận cân bằng hơn đối với cuộc khủng hoảng ở Xyri, hối thúc tất cả các bên liên quan từ bỏ bạo lực để ngồi vào bàn thương lượng.

 

Theo các quan sát viên quốc tế, ít nhất 14.100 người đã thiệt mạng trong 15 tháng diễn ra làn sóng biểu tình chống chính phủ tại Xyri. Nga hiện đang cố gắng tổ chức một hội thảo quốc tế về Xyri, có thể bao gồm một số quốc gia có ảnh hưởng đến cuộc xung đột này, như Iran. Tuy nhiên, Mỹ, Anh và Pháp phản đối sự tham gia của Iran.

 

TTXVN/Tin tức

LHQ lo ngại xung đột Xyri biến thành nội chiến
LHQ lo ngại xung đột Xyri biến thành nội chiến

Ngày 13/6, Liên hợp quốc khẳng định cuộc xung đột kéo dài 15 tháng qua tại Xyri đã phát triển thành một cuộc nội chiến toàn diện, trong khi Mỹ lo ngại trước thông tin Nga có thể đang cung cấp máy bay trực thăng chiến đấu cho Xyri.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN