Theo đánh giá mới nhất của ECDC, toàn bộ các nước thành viên EU, trừ Cyprus, Estonia, Phần Lan và Hy Lạp, đều có mức độ lây lan dịch bệnh ở mức "rất đáng quan ngại". Trước đó 1 tháng, danh sách này chỉ có 7 nước.
Trong một tuyên bố, Giám đốc ECDC Andrea Ammon khẳng định dịch COVID-19 tiếp tục lây lan đã gây ra mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, kéo theo áp lực đối với các dịch vụ y tế và số ca tử vong gia tăng. Theo bà, trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức cao, việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương sẽ khó khăn hơn và việc số người bị bệnh nặng tăng cao cũng là điều khó tránh khỏi.
ECDC cho biết số ca mắc COVID-19 tại nhiều nước châu Âu đã tăng dần từ tháng 8 vừa qua, và tăng rõ rệt trong những tuần gần đây. Hiện nguy cơ lây nhiễm đang gia tăng tại hầu hết các nước. Tình hình này đang đòi hỏi phải có hành động cấp thiết trong đó có việc giãn cách xã hội, hạn chế số người tụ tập, rửa tay và khuyến khích đeo khẩu trang.
Riêng trong ngày 23/10, Romania đã ghi nhận thêm 5.028 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất trong 1 ngày, đưa tổng số người mắc bệnh kể từ cuối tháng 2 đến nay lên 201.032 người, trong đó có 6.245 trường hợp không qua khỏi. Romania là một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao nhất ở phía Đông EU.
Kể từ tuần trước, hầu hết mỗi ngày Romania đều có trên 4.000 ca mắc mới. Nhằm khống chế dịch bệnh, nhà chức trách nước này đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới ở Bucharest và các thành phố khác.
Trong khi đó, với 6.634 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 23/10, tổng số người mắc bệnh tại Thụy Sĩ đã vượt 100.000 người lên 103.653 người. Ngày 23/10 cũng là ngày có số ca mắc COVID-19 mới cao nhất tại Thụy Sĩ từ trước tới nay.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Thụy Sĩ bắt đầu tăng cao trong 2 tuần qua, gây áp lực đối với việc xét nghiệm và truy vết. Để khống chế sự lây lan của làn sóng dịch thứ 2, chính phủ liên bang có thể sẽ siết chặt hơn các biện pháp hạn chế tại Bern, trong khi vẫn duy trì việc mở cửa các doanh nghiệp, trường học và bệnh viện.