Tính tới 23:59’ ngày 9/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 16.479 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.001 trường hợp mắc bệnh mới.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 592 người ở khu vực này, tăng 65 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng mạnh, với 3.668 trường hợp khỏi bệnh.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 9/4
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Malaysia |
4228 |
+109 |
67 |
+2 |
1608 |
Philippines |
4076 |
+206 |
203 |
+21 |
124 |
Indonesia |
3293 |
+337 |
280 |
+40 |
252 |
Thái Lan |
2423 |
+54 |
32 |
+2 |
940 |
Singapore |
1910 |
+287 |
6 |
0 |
460 |
Việt Nam |
255 |
+4 |
0 |
0 |
128 |
Brunei |
135 |
0 |
1 |
0 |
92 |
Campuchia |
119 |
+2 |
0 |
0 |
63 |
Myanmar |
23 |
+1 |
3 |
0 |
1 |
Lào |
16 |
+1 |
0 |
0 |
0 |
Timor Leste |
1 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Diễn biến đáng chú ý tại ASEAN trong ngày 9/4 đó là việc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhất trí thành lập một quỹ ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để cùng nhau chống lại dịch bệnh nguy hiểm này.
Theo tuyên bố được đưa ra sau hội nghị trực tuyến của Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 25 về COVID-19, các bộ trưởng "đã nhất trí thành lập Quỹ ứng phó với COVID-19 của ASEAN với mục tiêu huy động các nguồn lực tài chính để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vắc-xin phòng chống COVID-19 và chuẩn bị cho các phản ứng khẩn cấp trong tương lai".
Tuyên bố cũng nhấn mạnh các nước ASEAN "cam kết đảm bảo chuỗi cung ứng khu vực và thị trường mở, cũng như phối hợp chặt chẽ để giảm thiểu tác động của suy thoái kinh tế trong khu vực và toàn cầu, khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp và duy trì ổn định kinh tế xã hội".
Theo tuyên bố trên, các Bộ trưởng cũng bày tỏ cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực chung nhằm khống chế dịch COVID-19 và các tác động kinh tế và xã hội mà đại dịch này gây ra cho khu vực, đặc biệt là quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thông qua thúc đẩy phối hợp chính sách, chia sẻ kinh nghiệm và các bài học thực tiễn, đồng thời tìm hiểu khả năng cung cấp hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước thành viên ASEAN.
Động thái trên diễn ra giữa lúc khu vực ASEAN ngày 9/4 chứng kiến một trong những ngày COVID-19 bùng phát mạnh nhất kể từ đầu dịch tới nay.
Tại Indonesia, chỉ trong vòng 24h qua, "quốc gia vạn đảo" đã ghi nhận thêm 40 ca tử vong và 337 ca mắc bệnh mới, nâng tổng số người thiệt mạng và mắc bệnh tại nước này lên lần lượt là 280 và 3.293 trường hợp. Tại Đông Nam Á, hiện Indonesia là điểm dịch "nóng" nhất.
Trước tình hình đó, Chính phủ Indonesia đang tăng cường các nỗ lực nhằm thúc đẩy các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR), trong bối cảnh quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đang tụt hậu so với các nước khác trong việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế Indonesia đã ban hành thông tư cho phép tất cả các phòng thí nghiệm thuộc sở hữu nhà nước hoặc tư nhân, đạt chuẩn an toàn sinh học cấp hai (BSL-2) và có các trang thiết bị, phương tiện cần thiết tiến hành các xét nghiệm PCR để phát hiện virus SARS-CoV-2. Tính đến ngày 8/4, Indonesia mới chỉ tiến hành 14.571 xét nghiệm PCR - con số quá thấp khiến công chúng nghi ngờ về năng lực xét nghiệm cũng như thống kê các ca nhiễm bệnh tại quốc gia này.
Malaysia ngày 9/4 thông báo có thêm 109 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 4.228 người, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 Đông Nam Á này đang phải vật lộn chống chọi dịch bệnh với số ca nhiễm virus cao nhất trong khu vực. Bộ Y tế Malaysia cũng ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 67 người. Hiện Malaysia vẫn là quốc gia ASEAN có số ca mắc COVID-19 cao nhất.
Do ảnh hưởng của Mệnh lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO) được Chính phủ Malaysia áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, nhiều lao động nước ngoài tại Malaysia đã bị sa thải và hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Tại Philippines, Bộ Y tế cùng ngày thông báo nước này đã ghi nhận thêm 206 ca mắc bệnh COVID-19 mới và 21 ca tử vong do dịch bệnh này. Bộ trên cho biết tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines đã lên tới 4.076 người, trong đó có 203 trường hợp tử vong, nhiều thứ hai khu vực.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết chính phủ của ông không loại trừ khả năng sẽ phải bán bớt một số tài sản công trong trường hợp thiếu hụt nguồn tài chính để đối phó với đại dịch COVID-19.
Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước PTV-4, ông Duterte chỉ rõ cho đến nay, Chính phủ Philippines chưa nhận được đủ tổng số 275 tỷ peso (khoảng hơn 5,44 tỷ USD) mà Quốc hội phê chuẩn trước đây để đối phó với dịch COVID-19 và sẽ phải chờ đến đợt cấp vốn trong quý 3 và quý 4/2020.
Tổng thống Duterte cũng đã gặp và làm việc với Ủy ban Liên ngành về quản lý các dịch bệnh truyền nhiễm (IATF-EID) để thảo luận về nỗ lực của chính phủ nhằm đối phó với dịch COVID-19. Trước đó, ông Duterte cũng đã chấp thuận khuyến nghị của IATF-EID kéo dài việc thực hiện phong tỏa trên toàn bộ khu vực Luzon cho đến ngày 30/4.
Thái Lan ngày 9/4 ghi nhận thêm 54 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và thêm 2 ca tử vong, trong đó có một công dân Pháp, 74 tuổi.
Với việc ghi nhận thêm các ca nhiễm và tử vong mới do virus SARS-CoV-2, tổng số ca nhiễm virus ở Thái Lan đã tăng lên thành 2.423 người và 32 trường hợp đã tử vong, trong khi 940 bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 1 vừa qua.
Thủ đô Bangkok là địa phương có nhiều ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất Thái Lan, với 1.242 ca. Chính quyền Bangkok đã ban hành lệnh cấm bán rượu, bia ở thành phố trong 10 ngày, kể từ 10/4 đến ngày 20/4.
Lệnh cấm áp dụng đối với cả bán buôn và bán lẻ rượu, bia. Chính quyền thành phố cho rằng đây là một trong những biện pháp mới nhất nhằm ngăn chặn tụ tập đông người để kiềm chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Singapore ngày 9/4 ghi nhận thêm 287 ca COVID-19 mới, nâng tổng số người mắc bệnh tại "Đảo quốc sư tử" lên 1910. Tuy nhiên, trong 24h qua nước này không có ca tử vong mới này và tới hết ngày 9/4 mới chỉ có 6 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều người dân không chấp hành các quy định về giãn cách xã hội và cách ly tại nhà, giới chức Singapore cho biết sẽ áp dụng các chế tài xử phạt mạnh tay, thậm chí người vi phạm sẽ phải hầu toà.
Bộ trưởng Môi trường và Nguồn nước Masagos Zulkifli thông báo, kể từ ngày 9/4, các lực lượng chức năng sẽ không còn nhắc nhở như 2 ngày qua mà ngay lập tức lấy thông tin cá nhân của người vi phạm quy định về giữ khoảng cách để có cơ sở xử phạt nếu tái phạm.
Các cá nhân nếu vi phạm quy định về giữ khoảng cách lần thứ 2 sẽ bị phạt 300 SGD (gần 5 triệu VNĐ) và vi phạm lần ba sẽ phải ra hầu toà. Theo thống kê của Bộ Môi trường và Nguồn nước, chỉ trong hai ngày 7 và 8/4 đã có tổng cộng 10.000 người vi phạm phải nhận "giấy nhắc nhở" tại chỗ.
Bộ Y tế Campuchia ngày 9/4 thông báo trường hợp đầu tiên tái nhiễm virus SARS-CoV-2. Đó là một người đàn ông 40 tuổi, trú tại quận Russey Keo ở thủ đô Phnom Penh, từng được điều trị và khỏi bệnh COVID-19 cách đây gần 15 ngày.
Báo Khmer Times đưa tin người đàn ông trên xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 trở lại vào cuối tuần qua và từ lúc đó đến nay đã xét nghiệm lại 2 lần. Lần xét nghiệm thứ hai cho thấy bệnh nhân này một lần nữa dương tính với SARS-CoV-2 và đã được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Khmer Soviet.
Tính đến hết ngày 9/4, Campuchia có 119 ca mắc COVID-19 (1 trường hợp nhiễm 2 lần), trong đó 68 người đã hồi phục.
Lào trong 24h qua có thêm 1 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 16.
Trong khi đó, hai nước ASEAN Brunei và Timor Leste ngày 9/4 không ghi nhận ca tử vong hay mắc bệnh mới.